Mừng tuổi sao cho đúng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/1/2022 | 7:43:38 AM

YênBái - Vừa ra bưu điện nhận lương hưu của cả hai vợ chồng về, bà Cảnh nhẩm tính rồi cất nửa xấp tiền vào tủ. Nửa còn lại bà cuốn gọn trong túi vải thắt chặt hai lần dây để vào túi cẩn thận rồi lại đội nón xuống cửa hàng tạp hóa quen ở đầu phố nhờ đổi ít tiền lẻ để mừng tuổi cho các cháu. Đợi chủ quán vãn khách, bà Cảnh lần giở túi tiền ra phân trần:

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

- Cháu giúp bà đổi chỗ này lấy tiền 20.000 đồng, chọn tờ mới mới giúp nhé. Ngày tết, các cháu đến chơi đông, cũng phải chuẩn bị chút ít mừng tuổi. 

- Bà cứ cầm tiền về đi, đổi bao nhiêu cứ bảo cháu, cuối ngày kiểm lại, được bao nhiêu cháu cầm vào cho. Mà năm trước bà vẫn đổi tiền 5.000 đồng và 10.000 đồng sao năm nay lại tăng lên thế? Mừng tuổi các cháu gọi là lấy may mắn, phúc lộc đầu năm, không nhất thiết phải quan trọng thế đâu. Lương hưu ông bà "ba cọc, ba đồng”, có dư dả gì?

 - Cháu không để ý đấy thôi. Trẻ nhỏ bây giờ "khôn” lắm. Năm trước, đến nhà chúc tết, ông bà đưa phong bao mừng tuổi, chúng nó bóc ngay ra, thấy ít là phụng phịu không nhận. Bố mẹ chúng nó phải quát lên mới miễn cưỡng cầm, làm ông bà cũng ngại. 

- Thế là hư chứ "khôn” gì bà. Mà lỗi không phải ở chúng nó. Trẻ con nào có nhu cầu về tiền bạc, chính vì người lớn cứ nuông chiều thành ra làm hư trẻ nên nhiễm thói so sánh, mặc cả, đòi hỏi không hay. Các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm giải thích để trẻ hiểu đúng về tục mừng tuổi, không chỉ giúp trẻ biết trân trọng đồng tiền mà còn không nên làm biến tướng, mất đi ý nghĩa tốt đẹp đầy nhân văn của tục mừng tuổi ngày tết. Vợ chồng cháu liên tục nhắc nhở nên hai đứa con nhà cháu không bao giờ vòi vĩnh, so sánh giá trị tiền mừng tuổi đầu năm.

- Ai cũng biết nghĩ, làm được như cháu thì nói làm gì. Thôi, cháu cứ đổi giúp bà nhé, cho năm mới cả nhà đều vui vẻ, phấn khởi!

Hồng Duyên