Yên Bái nâng tầm hạt gạo địa phương

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/2/2022 | 7:40:49 AM

YênBái - Chị Lò Thị Máy ở bản Lụ 2 xuýt xoa vì lạnh nhưng vẫn cười rất tươi khi được hỏi chuyện: Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu 22 triệu đồng tiền bán thóc. Cứ ngỡ sản xuất lúa chỉ để phục vụ mấy miệng ăn thôi mà giờ lại có tiền bỏ túi.

Nông dân xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ trao đổi kỹ thuật chăm sóc, sản xuất lúa hữu cơ.
Nông dân xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ trao đổi kỹ thuật chăm sóc, sản xuất lúa hữu cơ.


Trong tiết xuân mưa và cái lạnh cuối đông nhưng người dân xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ vẫn nô nức xuống đồng. 2 năm trở lại đây, cây lúa ở Phúc Sơn được một bộ phận người dân canh tác theo hướng hữu cơ, không những an toàn cho sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng mà còn đem lại thu nhập cao hơn hẳn. 

Chị Lò Thị Máy ở bản Lụ 2 xuýt xoa vì lạnh nhưng vẫn cười rất tươi khi được hỏi chuyện: Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu 22 triệu đồng tiền bán thóc. Cứ ngỡ sản xuất lúa chỉ để phục vụ mấy miệng ăn thôi mà giờ lại có tiền bỏ túi. 

Được biết, gia đình chị Máy có 3.000 m2 đất ruộng. Trước đây, chỉ có 600m2 tham gia vào mô hình sản xuất hữu cơ của Hợp tác xã (HXT) Nông sản hữu cơ Phúc Sơn nhưng giờ thấy được nhiều lợi ích từ việc canh tác hữu cơ, gia đình chị đã áp dụng sản xuất hữu cơ cho toàn bộ diện tích đất ruộng của gia đình. 

Chị Máy kể: Tốn nhiều thời gian, công sức hơn nhưng đổi lại, đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm chi phí sản xuất, giá trị sản phẩm lại được tăng gấp 3 lần. Với phương pháp canh tác này, năng suất đạt 5 tấn thóc/ha và được HTX bao tiêu toàn bộ với giá 15.500 đồng/kg. 

Tham gia vào HTX, các thành viên như chị Máy được hướng dẫn, đôn đốc thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, cụ thể: sử dụng phân chuồng ủ với chế phẩm vi sinh Emic để làm phân bón; sử dụng lá xoan, riềng, tỏi, ớt, nước măng chua nghiền nhuyễn ngâm rượu thay thế thuốc trừ sâu; sử dụng dung dịch sulfat đồng với vôi để phòng trừ nấm, bệnh hay bổ sung đạm, kali bằng cách ngâm lên men cá, ốc bươu vàng và quả chuối, xoan… 

Chị Đinh Thị Ngọc Lan - Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Phúc Sơn chia sẻ: Hiện, HTX cung cấp ra thị trường 3 tấn gạo/1,5ha mỗi vụ, với giá bán 45.000 đồng/kg và đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Sản phẩm đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021 và đang được Công ty TNHH Quốc tế AnBiO (Hà Nội) đăng ký làm nhà phân phối. Vì vậy, chúng tôi đã và đang vận động nhân dân nâng quy mô diện tích sản xuất lên 10 ha với sản lượng lên đến 20 tấn gạo/vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường từ vụ này.

Là một thương hiệu gạo quen thuộc trên thị trường, gạo nếp Tú Lệ (huyện Văn Chấn) không những là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh mà còn được bảo hộ trí tuệ về nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Huyện Văn Chấn cũng đang tiến hành hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Tú Lệ xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP với quy mô diện tích 50 ha. Đây là bước đi tiếp theo của huyện sau khi kết thúc Đề án Phát triển vùng đặc sản lúa nếp Tú Lệ giai đoạn 2016 - 2020.

Trước đó, huyện Văn Chấn đã huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, ổn định tưới tiêu cho vùng sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất tập trung 100 ha đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; quan tâm đến vấn đề bảo tồn chất lượng giống bản địa. Năm 2014, Đề tài khoa học chọn lọc, bảo tồn, phát triển giống lúa nếp Tú Lệ do Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được triển khai. 

Sau 3 năm phục tráng, Trung tâm đã chọn lọc được 180 kg giống siêu nguyên chủng, được cấp giấy chứng nhận chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật vào năm 2016, được gieo trồng đúng quy trình nhằm cung cấp đủ giống cho nhân dân gieo trồng 100 ha theo Đề án. Từ đó đến nay, nhân dân xã Tú Lệ luôn có nguồn giống tốt để phát triển sản xuất. 


Người dân xã Tú Lệ chọn lọc gạo trước khi đóng gói sản phẩm. 

Ông Hoàng Văn Soàn - Phó Chủ tịch UBND xã Tú Lệ chia sẻ: Ngay sau khi xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng tốt, chính quyền xã đã xác định bước tiếp theo vận động, hướng dẫn người dân xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Đây được coi là đòn bẩy để nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập và phát triển bền vững cho nông dân; tránh tình trạng hàng thật - giả trà trộn, ảnh hưởng uy tín sản phẩm. 

Cùng với đó, hàng năm, xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở "cầm tay chỉ việc” hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng an toàn. Những vùng lúa nếp hàng hóa đã được hình thành với quy trình sản xuất khép kín từ khâu giống đến liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói và bán đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm có nhãn mác, lô-gô, được người tiêu dùng trên cả nước đón nhận tích cực, luôn trong tình trạng không đủ cung cấp cho thị trường. 

Với năng suất bình quân đạt 40 - 42 tạ/ha, giá bán khoảng 40.000 đồng/kg gạo, 18.000 đồng/kg thóc, trung bình 1.000 m2 đất trồng lúa, nông dân thu 7,5 triệu đồng, lãi 4,5 triệu đồng. Gạo nếp Tú Lệ đã trở thành sản phẩm hàng hóa giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã hiện giảm còn 5%.

Đây mới chỉ là 2 trong số những sản phẩm gạo của tỉnh Yên Bái được ưa chuộng trên thị trường. Mặc dù là tỉnh miền núi, chẳng có những cánh đồng bao la, bạt ngàn như miền xuôi nhưng đổi lại, đất và người Yên Bái với tiềm năng đất, nước, khí hậu, với sự cần cù, chịu khó, với phương thức canh tác truyền thống đã tạo nên một nét riêng biệt trong canh tác lúa nước gắn với những giống lúa đặc sản, đặc trưng cho đời sống văn hóa của đồng bào mỗi dân tộc. Và đằng sau mỗi sản phẩm trên thị trường còn là một câu chuyện dài về hành trình từ thay đổi tư duy, tập quán canh tác của nhân dân cho đến sự hỗ trợ vào cuộc của chính quyền các cấp. 

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được vùng tập trung chuyên canh trồng lúa theo chuỗi giá trị có diện tích 5.000 ha; xây dựng được 8 sản phẩm gạo đạt sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó: gạo nếp Tú Lệ, gạo Séng cù Mường Lò đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao; ngoài ra còn có các sản phẩm OCOP 3 sao như: gạo nếp Lào Mu Khánh Thiện (Lục Yên) với diện tích 60 ha, sản lượng 80 tấn; gạo nếp Tan Khau Phạ (Mù Cang Chải) diện tích 60 ha, sản lượng 70 - 90 tấn; gạo Bạch Hà (xã Bạch Hà, huyện Yên Bình); gạo nếp 87 xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu…  

Các sản phẩm này đã hoàn thiện được bao bì, logo, nhãn, mác, truy xuất nguồn gốc, tạo dựng được tên tuổi, uy tín trên thị trường. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm tới công tác xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm gạo như: Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò, nhãn hiệu chứng nhận gạo nếp 87, nhãn hiệu tập thể gạo Bạch Hà, gạo Chiêm hương Đại Phú An, gạo nếp Tú Lệ… 

Có thể thấy, đã có sự vào cuộc của doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học và nông dân trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gạo đặc sản cho địa phương. Theo đó, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng các nguồn hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học - kỹ thuật để phát triển thị trường, tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản. 

Các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá những sản phẩm có thương hiệu trong đó có sản phẩm gạo được tỉnh tăng cường, giúp đưa các sản phẩm gạo địa phương vươn ra các thị trường lớn hơn. Nông dân cũng dần từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để có điều kiện liên kết sản xuất lớn. 

Hoài Anh