Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 434.000 ha rừng, trong đó có trên 245.615 ha rừng tự nhiên và trên 188.096 ha rừng trồng, Diện tích rừng dễ cháy tập trung tại các huyện phía Tây của tỉnh như: Văn Chấn; Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Đây là các địa phương có diện tích vùng trọng điểm cháy lớn, địa hình chia cắt, núi cao hiểm trở, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, dân cư sống trong vùng không tập trung, trình độ nhận thức không đồng đều, phương thức canh tác lạc hậu gây rất nhiều khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Một phần nữa là do một bộ phận nhân dân chưa chấp hành tốt các quy định về đốt nương làm rẫy, ý thức dùng lửa chưa cao nên việc gây cháy rừng và cháy lan vào rừng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao.
Trong khi đó, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệt độ vào các tháng cao điểm trong mùa hanh khô cao cùng với các đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm cây rừng bị chết, thảm thực vật khô. Vì vậy, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cháy rừng, ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường lực lượng đến các vùng trọng điểm, tham mưu giúp chính quyền địa phương làm tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR và hướng dẫn các chủ rừng xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy và xây dựng, tu sửa các công trình PCCCR; tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và PCCCR; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR tới người dân.
Tại các huyện có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, cấp ủy và chính quyền tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, có quy định cụ thể về khu vực cấm đốt nương làm rẫy và hành vi dùng lửa trái quy định; hướng dẫn, kiểm tra, quản lý chặt chẽ và tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện quy định bảo vệ rừng, PCCCR. Đặc biệt, tại các huyện vùng cao như: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, công tác PCCCR được triển khai rất quyết liệt.
Ông Trần Xuân Dưỡng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết: "Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện trên 98.626 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên trên 80.435 ha; diện tích rừng trồng trên 20.256 ha; diện tích chưa thành rừng trên 18.191 ha. Năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra 2 vụ cháy rừng, thiệt hại 13,8 ha rừng".
Năm 2022, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR, đơn vị tham mưu cho chính quyền địa phương các xã làm tốt công tác PCCCR, rà soát, thống kê diện tích nương rẫy trên địa bàn có khả năng gây cháy lan cao nhằm chủ động các biện pháp phòng chống cháy rừng; tu sửa lại các chòi canh và lán tạm canh lửa trên địa bàn các xã, thị trấn, lợi dụng địa hình tại các điểm cao để chủ động phát hiện lửa rừng trong mùa khô hanh; tăng cường công tác tuần tra, bố trí lực lượng trực tại các điểm cao 24/24 giờ trong thời gian cao điểm. Lực lượng kiểm lâm địa bàn, chủ rừng và các lực lượng khác tại địa phương như: công an viên, dân quân tự vệ… tổ chức hành quân bảo vệ rừng tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Hiện tại, ở các địa phương như: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, công tác tuần tra, kiểm soát lửa rừng được lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm ngặt. Các xã, huyện cũng thành lập Ban Chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND đứng đầu. Các thôn, bản thành lập các tổ đội bảo vệ rừng, PCCCR sẵn sàng ứng phó khi cháy rừng xảy ra.
Hiện đang là thời kỳ cao điểm của mùa khô cũng là thời gian cao điểm người dân sản xuất trên nương, chuẩn bị đất gieo vụ mới nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, các địa phương vùng cao cần tăng cường công tác tuyên truyền đi đôi với việc quy hoạch nương rẫy, hoàn thiện các quy định về PCCCR trong canh tác, áp dụng các biện pháp không dùng lửa trong canh tác, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp và thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động canh tác nương rẫy để giảm nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Văn Thông