Yên Bái phát triển tài sản trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/4/2022 | 5:33:13 AM

YênBái - Có thể thấy, trong dòng chảy công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tài sản trí tuệ (TSTT) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng và là công cụ đắc lực thúc đẩy phát triển sản xuất địa phương. Yên Bái đang hiện thực hóa điều này trong xây dựng và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh.

Từ khi được xác lập Chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm từ quế Văn Yên đã xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Từ khi được xác lập Chỉ dẫn địa lý, các sản phẩm từ quế Văn Yên đã xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.


Cùng với tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phát triển sản xuất thì việc mở rộng thị trường, cạnh tranh bình đẳng chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín, danh tiếng sản phẩm dựa vào việc phát triển TSTT cho các sản phẩm nông nghiệp là rất cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0.

Một sản phẩm phải có tính đặc trưng và sự đặc trưng này phải do điều kiện địa lý, khí hậu… của vùng đất đó quyết định thì mới có thể được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bởi vậy, năm 2010, khi quế Văn Yên được cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho 8 xã trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chứng nhận sản phẩm quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ. 

Quả thực, đến nay, quế Văn Yên đã trở thành sản phẩm có thương hiệu và từ cây xóa nghèo đã trở thành cây làm giàu cho người dân Văn Yên. Năm 2021, tổng diện tích quế toàn huyện đạt trên 52.000 ha, tổng giá trị đạt trên 900 tỷ đồng/năm. 

Ngoài ra, cây quế còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định. Từ khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, người dân đã thay đổi tập quán canh tác theo hướng hữu cơ, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Quế Văn Yên cũng đã được Thái Lan bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ tại Thái Lan từ năm 2020. 

Đặc biệt, từ ngày 1/8/2020, quế Văn Yên là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). 

Nhờ đó, các sản phẩm từ quế đã xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hay việc cấp và sử dụng Nhãn hiệu tập thể "Cam Văn Chấn” cũng đã giúp người trồng cam thay đổi tập quán canh tác từ chỉ dựa vào kinh nghiệm sang áp dụng khoa học, kỹ thuật, tích cực ứng dụng các biện pháp canh tác sinh học và có nguồn gốc tự nhiên: ủ đỗ tương, mật mía và chế phẩm sinh học Emina để kích rễ hay ủ tỏi, ớt, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh... 

Với vai trò là chủ sở hữu và quản lý nhãn hiệu, Hội Nông dân huyện Văn Chấn đã vận động nông dân thành lập các tổ liên kết và hợp tác xã. Tại mỗi tổ còn thành lập tổ giám sát có tổ trưởng là lãnh đạo hội nông dân cơ sở nhằm giám sát việc hoạt động của các thành viên từ khâu bón phân, phun thuốc, cách ly... tạo ra sản phẩm chất lượng, uy tín trên thị trường.

Có thể thấy, trong dòng chảy công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TSTT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng và là công cụ đắc lực thúc đẩy phát triển sản xuất địa phương. Việc phát triển TSTT đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến mạnh từ sản xuất tự phát, kém hiệu quả sang sản xuất hàng hóa có tổ chức, tích cực áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Đồng thời, là cơ sở pháp lý để loại bỏ những doanh nghiệp lợi dụng địa danh các sản phẩm đặc thù địa phương để đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, giúp người dân, doanh nghiệp ngày càng nâng cao chất lượng hàng hóa và gia tăng giá trị hàng hóa… 

Với những lợi ích này, việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh được đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 36 sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ SHTT gồm: 8 chỉ dẫn địa lý, 18 nhãn hiệu chứng nhận, 10 nhãn hiệu tập thể. 

Ngày 2/12/2021, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 261 về  thực hiện Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù, sản phẩm làng nghề, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển TSTT, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; đáp ứng 100% nhu cầu được tư vấn, hướng dẫn bảo hộ quyền SHTT; tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực khai thác, quản lý và bảo hộ quyền SHTT từ cơ bản đến chuyên sâu cho khoảng 2.000 lượt người. 

Với lộ trình, mục tiêu cụ thể, Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 sẽ mở ra hướng đi mới, khai thác tối đa hiệu quả TSTT của các chủ thể, góp phần đưa SHTT thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.

Hoài Anh