Trấn Yên hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/4/2022 | 7:34:36 AM

YênBái - Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Trấn Yên đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, từng bước khắc phục tình trạng manh mún, hình thành những vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Đoàn công tác của tỉnh, huyện thăm cánh đồng trồng dâu xã Việt Thành
Đoàn công tác của tỉnh, huyện thăm cánh đồng trồng dâu xã Việt Thành

Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Trấn Yên đã thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với XDNTM và đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, đến nay, huyện Trấn Yên  đã có các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực có thế mạnh và giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: vùng tre măng Bát độ trên 3.500 ha, vùng trồng dâu trên 700 ha, vùng quế trên 16.000 ha và gần 700 cơ sở chăn nuôi hàng hóa các loại, sản lượng gần 10.000 tấn. 

Cùng đó, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông - lâm nghiệp; các sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, từng bước tạo dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp bền vững. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn còn những mặt hạn chế như: kinh tế nông nghiệp phát triển chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, dễ bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường, tiềm ẩn yếu tố rủi ro cao; năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên thị trường chưa cao; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn kém phát triển; sản phẩm nông sản có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý chưa nhiều. 

Bên cạnh đó, việc thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững. Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại phát triển còn chậm, chưa thực hiện tốt vai trò đầu mối liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông hộ…

Trước những khó khăn, hạn chế đó, huyện đã xây dựng Nghị quyết số 26 ngày 25/1/2021 về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với mục tiêu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025. 

Theo bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn huyện: mục tiêu cụ thể huyện Trấn Yên hướng đến là phát triển toàn diện theo chuỗi giá trị bền vững gắn với nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả các vùng sản xuất hàng hóa, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực như: trồng dâu nuôi tằm, trồng cây ăn quả, vùng quế, tre măng Bát độ... và phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.600 tỷ đồng; các sản phẩm chủ lực của huyện đều có tem truy xuất nguồn gốc. 

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện bằng các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương. Đồng chí Trần Nhật Tân - Bí thư huyện ủy Trấn Yên cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông - lâm nghiệp, thủy sản. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, phát triển các hình thức kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã theo mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - tổ hợp tác, hợp tác xã - nông dân; thu hút, mời gọi các doanh nghiệp có năng lực, uy tín, chiến lược sản xuất, kinh doanh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực”. 

Cũng theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, nhằm đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, Trấn Yên tiếp tục mở rộng diện tích các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và các sản phẩm chủ lực; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi; triển khai ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, công nghệ sinh học; xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ; triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm, phấn đấu có từ 20 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; trong đó, có ít nhất một sản phẩm đạt 5 sao...

Hùng Cường