Yên Bái hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/5/2022 | 1:52:38 PM

YênBái - Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) là giải pháp then chốt để mang lại giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp, được các hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh nỗ lực thực hiện với sự hỗ trợ đắc lực của tổ chức Hội Nông dân (HND).

Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà kính tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên. (Ảnh: T.L)
Mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà kính tại thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên. (Ảnh: T.L)

Trong những năm qua, HND các cấp đã chủ động tuyên truyền sâu rộng tới hội viên, nông dân về vai trò, các kiến thức về KH&CN; các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ KHCN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. 

Giai đoạn vừa qua, các cấp hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp, các công ty, doanh nghiệp tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hội viên; hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh học, hữu cơ cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, các nhóm hộ nông dân… 

Hưởng ứng xây dựng nông nghiệp 4.0 trên cơ sở áp dụng các thành tựu đột phát trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano và tận dụng, khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, các cấp hội đã chủ động tranh thủ các chủ trương, chính sách của tỉnh và phối hợp với các sở, ban, ngành vận động hội viên, nông dân tham gia thí điểm một số mô hình sản xuất giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn thực phẩm; sản xuất rau an toàn ứng dụng các phương pháp tưới nước tiết kiệm, chăn nuôi công nghệ trong nhà máy lạnh… 

Trên cơ sở đó, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHCN mới, đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, chế biến; tích cực đi đầu đưa các loại cây con, giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Trong hội viên xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình mới, tiêu biểu, chủ trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản hàng hóa. 

Điển hình như mô hình trồng rau trong nhà màng, nhà lưới tại xã Đào Thịnh (Trấn Yên), xã Yên Hợp (Văn Yên); mô hình trồng sâm Hoàng sin cô, cây sơn tra ghép tại xã Xà Hồ, Bản Công (Trạm Tấu); mô hình chăn nuôi vịt bản địa ứng dụng chế phẩm sinh học tại xã Khao Mang (Mù Cang Chải); mô hình Tổ hợp tác trồng rau an toàn trong nhà lưới tại tổ dân phố 9, thị trấn Yên Thế (Lục Yên)…

Các cấp HND còn chủ động trong tìm kiếm các chương trình, dự án áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, HND tỉnh chủ động phối hợp với các ban, đơn vị Trung ương HND Việt Nam và các ngành liên quan của tỉnh xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. 

Phối hợp với Trung tâm Môi trường nông thôn - Trung ương HND triển khai xây dựng mô hình "Xử lý chất thải trong phát triển trang trại” tại thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên), HND tỉnh đã tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm EM2 cho 90 hộ dân và cung cấp 1.000 lít chế phẩm sinh học EM2 cho 20 hộ tham gia dự án. 

HND tỉnh cũng đã phối hợp với các đơn vị của Trung ương HND Việt Nam như Trung tâm Nghiên cứu khoa học nông vận triển khai xây dựng Mô hình "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất cà chua thương phẩm” trên diện tích 4 ha tại xã Nga Quán, huyện Trấn Yên với 36 hộ hội viên nông dân tham gia; phối hợp với Văn phòng Trung ương Hội xây dựng Dự án "Nuôi ghép cá nước ngọt theo chuỗi giá trị” tại xã Khánh Thiện (Lục Yên) với tổng giá trị 200 triệu đồng; phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông thôn xây dựng Mô hình "Thâm canh theo GAP nhằm thúc đẩy hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị” tại xã Khánh Hòa (Lục Yên) với tổng trị giá 200 triệu đồng gồm tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ bao bì sản phẩm, phân bón cho Hợp tác xã Cam sành Lục Yên trên quy mô 19 ha. 

với đó, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, HND tỉnh đã triển khai xây dựng "Mô hình sản xuất cam Văn Chấn đạt tiêu chuẩn theo hướng đảm bảo an toàn gắn với đóng gói, tiêu thụ sản phẩm” tại xã Thượng Bằng La (Văn Chấn). Tham gia dự án, các hộ nông dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất cây ăn quả có múi an toàn, pháp lý hợp đồng, phát triển thị trường, hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ sản phẩm… 

Việc ứng dụng KH&CN đã mang lại nhiều hiệu quả thực tế, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong nông dân. Năm 2021, toàn tỉnh có trên 39.600 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 68,7% so với số hộ đăng ký. 
Thu Hạnh