Trạm Tấu chủ động phòng, chống thiên tai

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/5/2022 | 7:43:25 AM

YênBái - Trạm Tấu là huyện vùng cao, địa hình cắt xẻ, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Rút kinh nghiệm từ năm trước, bắt đầu bước vào mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) huyện Trạm Tấu đã chủ động xây dựng các phương án phòng, chống cụ thể, thiết thực phù hợp với thực tế địa phương nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Trạm Tấu  kiểm tra tình hình mưa lũ tại suối Hát, xã Hát Lừu.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Trạm Tấu kiểm tra tình hình mưa lũ tại suối Hát, xã Hát Lừu.

Xã Hát Lừu được bao quanh bởi núi cao, tập trung nhiều khe suối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Ngay từ đầu năm, xã đã tập trung triển khai nhiều giải pháp PCTT - TKCN; trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp phòng chống lũ ống, lũ quyét, sạt lở đất. 

Cụ thể, xã đã tổ chức rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao, các hộ cần phải di dời khẩn cấp. Huy động sự vào cuộc của các đoàn thể trong việc tham gia công tác PCTT - TKCN, nhất là việc nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động phòng, tránh khi có diễn biến bất thường của thời tiết. 

Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: "Xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng thôn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các thôn, duy trì có hiệu quả các tổ xung kích trong những ngày mưa bão… Ngoài ra, xã cũng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về ứng phó với mưa bão và sạt lở đất”.

Xác định PCTT là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, huyện Trạm Tấu đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra. 

Trước hết, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về PCTT bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng: chỉ đạo Trung tâm Truyền thông và Văn hóa, trang thông tin điện tử của huyện hàng tuần, hàng tháng có các bài viết, chuyên mục tuyên truyền về PCTT bằng 3 thứ tiếng: Việt, Thái, Mông, giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. 

Ban Tuyên giáo Huyện ủy đưa nội dung PCTT vào định hướng tuyên truyền sinh hoạt chi bộ hàng tháng tại thôn. Tại các cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ huyện họp thành viên UBND huyện và nội dung PCTT sẽ được lồng ghép chỉ đạo; đồng thời, các xã, thị trấn lồng ghép nội dung họp thôn tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức PCTT cho người dân. 

Ban chỉ huy PCTT - TKCN các cấp và tổ giúp việc ban chỉ huy đều được kiện toàn hàng năm; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện được phân công nhiệm vụ, trực tiếp phụ trách địa bàn xã, thị trấn để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo.

UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra PCTT - TKCN tại các xã, thị trấn để xác định những hạn chế trong công tác xây dựng, triển khai phương án PCTT; từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục. 

Huyện cũng đã thành lập 57 tổ, đội xung kích PCTT với 570 người tham gia. Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện thành lập lực lượng thường trực, phối hợp với các trung đội dân quân cơ động các xã, thị trấn và tổ dân quân cơ động các thôn sẵn sàng cơ động, chi viện cho các hướng, chú trọng xây dựng các tình huống có thể xảy ra theo dự báo. 

Ban CHQS huyện được trang bị phương tiện, vật chất bảo đảm cho nhiệm vụ PCTT - TKCN như: máy phát điện, máy bơm công suất lớn, áo phao, phao bơi… Các xã, thị trấn hiệp đồng với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn dự trữ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khi có thiên tai xảy ra.

Ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: huyện tiếp tục khảo sát các khu vực dân cư đề xuất xây dựng các dự án di dân tái định cư, nhằm bố trí ổn định đời sống cho các hộ còn nằm trong vùng nguy hiểm được chuyển đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn không có quỹ đất di dân tập trung, rà soát các hộ ở những vùng nguy hiểm có nguy cơ, nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tự chuyển đến nơi an toàn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo hình thức di dân xen ghép. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn quản lý việc sinh hoạt, sản xuất, đi lại của người dân trong vùng nguy hiểm trước, trong và sau mưa lũ. 

Cùng đó, huyện chuẩn bị tốt vật tư, thiết bị, phương tiện để sẵn sàng ứng phó khi có mưa lũ xảy ra. Tập trung chỉ đạo ngay, kịp thời hỗ trợ nhân dân theo phương châm "4 tại chỗ"; đồng thời, vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ cho các hộ di dời sớm ổn định cuộc sống. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác PCTT ở những vùng trọng điểm thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất và các thôn, bản lẻ có nguy cơ bị chia cắt khi mưa, lũ xảy ra.
Hồng Duyên