Mù Cang Chải chú trọng phát triển vùng nếp Tan

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/5/2022 | 1:57:20 PM

YênBái - Cùng với đưa một số giống lúa mới như Séng cù, ST24, ST25 vào trồng tại các xã Khao Mang, Lao Chải, Nậm Có, huyện Mù Cang Chải đã tập trung phát triển vùng trồng giống nếp Tan ở 2 xã Cao Phạ và Nậm Có theo hướng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao.

Một gia đình ở xã Cao Phạ làm cốm nếp Tan.
Một gia đình ở xã Cao Phạ làm cốm nếp Tan.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch, thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển đổi dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với 3 yếu tố chủ đạo là: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Trong đó, về sản xuất lúa nước, cùng với đưa một số giống lúa mới như Séng cù, ST24, ST25 vào trồng tại các xã Khao Mang, Lao Chải, Nậm Có, huyện Mù Cang Chải đã tập trung phát triển vùng trồng giống nếp Tan ở 2 xã Cao Phạ và Nậm Có theo hướng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao.

Cao Phạ là xã có địa hình rộng, đông dân cư, đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích ruộng nước hiện có là 320 ha. Trong đó, ngoài tập trung gieo cấy các loại giống lúa lai năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn như Nhị ưu 838, LC25, LC 270, Việt lai 20 để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước phù hợp cho phát triển giống lúa thuần địa phương chất lượng cao, đặc biệt là giống nếp Tan, xã Cao Phạ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng các chân ruộng đất pha cát gần suối, chủ động được nguồn nước tưới nhân rộng diện tích sản xuất nếp Tan cho giá trị kinh tế cao.

Ông Giàng A Thênh - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Phạ cho biết: Cũng nhờ giá trị kinh tế cao, ngoài bán lúa gạo già thì vài năm gần đây, việc bán lúa non cho các thương lái mua về giã cốm ở xã Tú Lệ (Văn Chấn) cũng rất thuận lợi mà cho thu nhập cao nên nhân dân đều chủ động cân đối phần đất trồng lúa tẻ đủ ăn trong gia đình, còn lại chuyển sang gieo cấy nếp Tan làm hàng hoá.

Riêng mùa vụ năm 2021, toàn xã gieo cấy khoảng 100 ha lúa nếp Tan, người dân trồng theo hướng tự phát, sản lượng đạt trên 500 tấn. Năm 2022, xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân trồng theo vùng, khu vực đã được quy hoạch để thuận lợi trong quản lý với tổng diện tích trên 100 ha... 

Cùng với Cao Phạ, xã Nậm Có cũng là địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng về thời tiết, khí hậu và nguồn nước nên mỗi năm nhân dân địa phương này gieo trồng hàng trăm héc-ta lúa nếp Tan. Ngoài sử dụng, người dân Nậm Có còn xuất ra thị trường hàng trăm tấn thóc mỗi năm. 

Ông Chang A Chinh, cán bộ Địa chính - Kinh tế - Xây dựng và Môi trường xã Nậm Có cho biết: Theo diện tích xã thống kê, quản lý được là 150 ha, nhưng diện tích gieo trồng thực tế trong nhân dân cao hơn. Vì, Nậm Có là địa phương có diện tích ruộng nước nhiều, đông dân mà việc sản xuất của nhân dân từ trước đến nay chủ yếu vẫn theo nhu cầu tự phát của gia đình là chính, chưa có đăng ký cụ thể. 

Cùng với sự quan tâm chỉ đạo về mở rộng diện tích gieo cấy cũng như áp dụng khoa học - kỹ thuật vào thâm canh, chăm bón, để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, huyện Mù Cang Chải chỉ đạo các địa phương quan tâm khâu đầu ra cũng như xây dựng thương hiệu, tạo uy tín về chất lượng hàng hoá trên thị trường.

Theo đó, năm 2021, xã Cao Phạ đã thành lập được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Khau Phạ do ông Lò Văn Thuận ở bản Lìm Thái, làm Giám đốc. Theo ông Lò Văn Thuận - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Khau Phạ: Trước mắt, HTX đã liên kết với 2 chi hội nông dân gồm 60 thành viên trong xã để cùng gieo cấy giống lúa nếp Tan với tổng diện tích trên 14 ha, tổng sản lượng trên 71 tấn/năm. Ngoài ra, trong niên vụ năm 2021, HTX cũng đã thu mua được trên 20 tấn thóc của các hộ dân không tham gia HTX nhưng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng giống, chế độ chăm sóc, thu hoạch, sơ chế. 

Hiện nay, HTX đang thu mua của người dân với giá dao động từ khoảng 18.000 đồng đến 20.000 đồng/kg thóc. HTX áp dụng nghiêm ngặt quy trình chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế nên chất lượng thóc, gạo nếp Tan của HTX luôn đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp và đã được nhiều cửa hàng kinh doanh gạo đặc sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái lựa chọn, đặt hàng.

Đi đôi với mở rộng diện tích phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở các xã, thị trấn, đặc biệt là thực hiện mục tiêu canh tác 250 ha lúa nếp Tan tại xã Nậm Có và Cao Phạ, phấn đấu đạt tổng sản lượng dự tính trên 1.000 tấn, huyện Mù Cang Chải đặt mục tiêu phấn đấu năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 560 tỷ đồng.

Châu Á