Yên Bái tập trung tiêm phòng cho đàn vật nuôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/6/2022 | 2:30:11 PM

YênBái - Thời tiết diễn biến thất thường, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan. Để bảo vệ đàn vật nuôi an toàn, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, ngành nông nghiệp, các địa phương cùng với người chăn nuôi tích cực đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi...

Đàn bò của gia đình ông Vương Văn Cương ở thôn Phạ 1, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình luôn được tiêm đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh.
Đàn bò của gia đình ông Vương Văn Cương ở thôn Phạ 1, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình luôn được tiêm đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh.

Xác định chăn nuôi bò là nguồn thu nhập chính của gia đình, nên ông Vương Văn Cương ở thôn Phạ 1, xã Cảm Nhân luôn chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò. Ông Cương cho biết: "Mỗi năm có 2 đợt tiêm thì tôi đều tiêm đầy đủ các loại vắc - xin cho đàn bò. Đã nhiều năm nuôi bò và kể cả các loại gia súc, gia cầm khác thì tôi thấy khâu tiêm phòng rất quan trọng. Tiêm phòng giúp đàn gia súc, gia cầm có sức đề kháng tốt, hạn chế lây nhiễm các loại dịch bệnh và phát triển khỏe mạnh”. 

Toàn huyện Yên Bình hiện có đàn gia súc chính trên 121.000 con, đàn gia cầm gần 800.000 con. Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cơ bản được kiểm soát, không phát sinh dịch bệnh nên người dân yên tâm tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. 

Tuy nhiên, hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, ngày nắng nóng, đêm mưa rào nên ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi. Vì thế, huyện đẩy mạnh tiêm phòng vắc - xin, trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã thực hiện tiêm được trên 28.700 liều vắc-xin các loại. 

Trong đó có gần 9.970 liều phòng bệnh lở mồm long móng trâu, bò; trên 4.400 liều phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò và gần 11.000 liều phòng bệnh tụ huyết trùng và dịch tả lợn. 

Toàn tỉnh hiện có 97.640 con trâu, gần 35.900 con bò, gần 580.000 con lợn và trên 6,3 triệu con gia cầm. Thời điểm thời tiết giao mùa diễn biến phức tạp dễ làm vật nuôi không kịp thích nghi nên dễ bị nhiễm một số bệnh về đường hô hấp và đường ruột. Đối với trâu, bò, lợn dễ nhiễm một số bệnh như: lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục, dịch tả lợn... 

Đối với gia cầm, một số bệnh hay gặp là cúm, hội chứng tiêu chảy... Mặt khác, do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư dễ dẫn tới phát sinh, lây lan dịch bệnh. Do đó, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là đợt tiêm vắc - xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi trong vụ xuân - hè được ưu tiên hàng đầu. 

Ông Vũ Xuân Đao ở thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái cho biết, để chăn nuôi phát triển ổn định và hiệu quả, việc tiêm vắc - xin phòng bệnh cho vật nuôi được gia đình ông ưu tiên hàng đầu kết hợp với các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hàng năm, gia đình ông thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc - xin cho đàn lợn như: tụ huyết trùng, dịch tả... 

Nhờ vậy, đàn lợn trên 100 con của gia đình ông luôn phát triển khỏe mạnh. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để công tác tiêm vắc - xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, Chi cục đã phối hợp với các địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và người chăn nuôi trong việc tiêm phòng vắc - xin cho đàn gia súc, gia cầm; triển khai "Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” trên địa bàn tỉnh; đồng thời, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. 

Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm phòng vắc - xin cho đàn vật nuôi được 51.730 liều, trong đó, tụ huyết trùng trâu, bò 6.050 liều, tụ huyết trùng lợn 8.949 liều, dịch tả lợn 19.949 liều, lở mồm long móng 145 liều.

Để hoàn thành kế hoạch tiêm phòng vụ xuân - hè năm 2022 đạt kết quả cao, ngành nông nghiệp đề nghị các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các hộ chăn nuôi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của tiêm phòng đối với đàn vật nuôi; Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc-xin; tổ chức hướng dẫn cho đội ngũ nhân viên thú y ở cơ sở và lực lượng tham gia tiêm phòng của các địa phương, các hộ chăn nuôi về các biện pháp kỹ thuật bảo quản vắc-xin, kỹ thuật tiêm, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo; chấp hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định đối với từng đối tượng vật nuôi.
Hồng Duyên