Cần hướng đi mới trong phát triển gỗ rừng trồng - Bài 1: Hiệu quả từ kinh tế đồi rừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/7/2022 | 7:52:34 AM

YênBái - Đại Đồng là địa phương trước đây không ít khó khăn bởi đất sản xuất nông nghiệp ít. Thế nhưng, Đại Đồng hôm nay, con đường đất xưa kia được bê tông hóa. Nhiều ngôi nhà khang trang, bề thế đang mọc lên xen lẫn giữa những vườn ươm cây giống và đồi rừng xanh mát mắt. Chủ nhân của những ngôi "biệt thự" này chính là những nông dân chân lấm tay bùn.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật chọn cây giống đạt tiêu chuẩn trồng rừng. (Ảnh: T.L)
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật chọn cây giống đạt tiêu chuẩn trồng rừng. (Ảnh: T.L)

Dưới cái nắng gay gắt của những ngày đầu hè, chúng tôi trở về xã Đại Đồng, (Yên Bình) - địa phương mà trước đây không ít khó khăn bởi đất sản xuất nông nghiệp ít. Thế nhưng, Đại Đồng hôm nay mang một diện mạo nông thôn hoàn toàn mới. Những con đường đất xưa kia nay được bê tông hóa. Nhiều ngôi nhà khang trang, bề thế đang mọc lên xen lẫn giữa những vườn ươm cây giống và đồi rừng xanh mát mắt. Chủ nhân của những ngôi "biệt thự" này không phải là ai khác mà chính là những nông dân chân lấm tay bùn.

Điều gì đã làm cho đời sống của người dân nơi đây đổi thay nhanh đến vậy? 

Đồng chí Vũ Quốc Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: "Những năm qua, xã luôn quan tâm khuyến khích động viên nhân dân phát triển rừng, người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xem kinh tế rừng là mũi nhọn trong công tác giảm nghèo, vươn lên làm giàu bền vững”. 

Về Đại Đồng hôm nay, nhắc đến anh Trương Ngọc Trung ở thôn 4 ai cũng biết, bởi gia đình anh không những thoát nghèo sớm mà còn vươn lên làm giàu nhờ phát triển kinh tế đồi rừng.  "Gia đình tôi hiện có trên 20 ha trồng rừng, hàng năm khai thác và trồng mới từ 3 - 5 ha, thu về trên 400 triệu đồng. Nhờ rừng mà gia đình làm được nhà, mua sắm được nhiều vật dụng trong gia đình có giá trị” - anh Trung chia sẻ. 

Qua tìm hiểu thực tế, đến nay, đời sống của người dân ở Đại Đồng chủ yếu dựa vào rừng. Toàn xã có trên 1.864 ha chủ yếu là cây keo, bồ đề, bạch đàn, hàng năm khai thác và trồng mới trên 230 ha, doanh thu của người dân trồng rừng đạt trên 20 tỷ đồng/năm.  

Cũng như ở Đại Đồng, đến nay, đời sống của người dân ở xã Tân Nguyên chủ yếu dựa vào rừng. Toàn xã có trên 2.300 ha đất rừng, trong đó rừng trồng sản xuất trên 1.800 ha, chủ yếu là cây keo, bồ đề, bạch đàn. Điều đáng mừng là đến nay, hầu hết các hộ gia đình ở các thôn, trong xã đã thấy rõ hiệu quả từ phát triển trồng rừng nên ý thức được nâng lên. 

Đồng chí Sạch Văn Mùi - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Tân Nguyên luôn xác định rừng có tầm quan trọng về kinh tế và bảo vệ nguồn nước, từ đó xã tập trung chỉ đạo bảo vệ tốt trên 700 ha rừng khoanh nuôi, phòng hộ đầu nguồn. Hàng năm, chỉ đạo khai thác và trồng luân chuyển trên 170 ha rừng bằng các loại cây như keo, quế, bồ đề; sản lượng gỗ đạt từ 6.000 - 7.000 m3, giá trị thu nhập đạt hàng chục tỷ đồng. Hiện, trên địa bàn xã có nhiều xưởng gỗ chế biến ván bóc, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/năm, đời sống của người dân từng bước khởi sắc”. 

Huyện Yên Bình hiện có trên 40.000 ha diện tích rừng trồng. Những năm gần đây, công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng luôn được huyện chú trọng. 

Đồng chí Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Với những thế mạnh tự nhiên, huyện luôn chú trọng đến hiệu quả kinh tế từ rừng, đặc biệt là những loại cây vừa góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, vừa cho khai thác sản phẩm hàng hóa đang chiếm ưu thế. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn đạt tiêu chuẩn theo quy định; lựa chọn trồng và nhân rộng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn". 

"Huyện tích cực mời gọi các nhà đầu tư và khảo sát, xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao (chế biến sâu), nhằm nâng cao giá trị ngành và đầu ra ổn định về sản phẩm từ rừng cho người dân. Từ đó, mang lại hiệu quả "kép” vừa bảo vệ rừng vừa tạo nguồn thu nhập, làm giàu cho bà con nhân dân sống bằng nghề rừng”, đồng chí Hưng nói thêm. 


Không riêng gì Yên Bình, huyện Văn Chấn hiện có tổng diện tích rừng trồng trên 24.000 ha, tỷ lệ che phủ đạt gần 59%. Hàng năm, toàn huyện phấn đấu trồng mới trên 3.100 ha chủ yếu là quế, keo và bồ đề. 

An Lương được biết là "thủ phủ" của cây quế với trên 2.300 ha, tập trung nhiều ở các thôn Sài Lương 3, Khe Trần, Tặng Chan, Suối Dầm, Khe Cảnh. Toàn xã có trên 900 hộ dân thì 100% số hộ đều trồng quế, hộ ít cũng trồng được 1.000 m2, hộ nhiều thì hàng chục héc-ta. 

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cội cho biết: "Phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, thời gian qua, chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực làm giàu từ chính thế mạnh của gia đình, địa phương. Ngoài cây lương thực, hàng năm, xã chỉ đạo nhân dân trồng mới 100 ha cây quế. Sản lượng quế hàng năm của xã đạt trên 1.500 tấn vỏ khô, thu về trên 40 tỷ đồng/năm”.

Cũng như người dân trong toàn tỉnh, đến nay, người dân ở Văn Chấn rất chủ động trồng và chăm sóc các diện tích rừng, nhất là trồng rừng kinh tế nhằm nâng cao thu nhập. Bằng chứng là hàng năm, người dân tự bỏ vốn trồng trên 2.300 ha rừng. Nhờ lợi ích mà trồng rừng kinh tế mang lại nên huyện Văn Chấn đưa trồng rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng, đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của địa phương.


Nhờ trồng quế mà người dân ở xã An Lương, huyện Văn Chấn hàng năm thu về trên 40 tỷ đồng. Trong ảnh: Lãnh đạo xã An Lương kiểm tra tình hình phát triển cây quế tại thôn Khe Trần. 

Phát huy tiềm năng và lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, trong những năm qua, các địa phương như: Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, thành phố Yên Bái… đã chú trọng trồng rừng với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như keo, bồ đề, quế... 

Để kinh tế đồi rừng thực sự là thế mạnh, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, ngành kiểm lâm tham mưu cùng chính quyền các huyện, thị xã đẩy mạnh công tác trồng rừng; hướng dẫn nhân dân tích cực chăm sóc các diện tích trồng rừng mới, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, khai thác rừng đúng quy định, lâm sản khai thác có nguồn gốc hợp pháp. 

Đến nay, người dân từ vùng thấp đến vùng cao đã chú trọng đầu tư phân bón, phát dọn thực bì, làm cỏ thường xuyên, trồng đúng quy cách. 

Đồng chí Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh cho biết: "Bám sát nội dung Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sản xuất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác trồng rừng được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai, bình quân hàng năm, Yên Bái trồng trên 15.000 ha rừng các loại, trong đó trên 90% là rừng sản xuất". 

"Diện tích rừng tăng lên rõ rệt, từ trên 453.000 ha năm 2015 lên trên 464.000 ha năm 2021 (tăng trên 11.000 ha). Sản lượng gỗ khai thác cũng tăng cao từ 450.000m3 năm 2015 lên trên 690.000m3 năm 2021 (tăng trên 240.000m3). Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng từ 1.223 tỷ đồng năm 2015 lên trên 2.000 tỷ đồng năm 2021, chủ yếu tập trung ở sản phẩm từ khai thác gỗ rừng trồng (chiếm tỷ lệ trên 40%)”, đồng chí Bình cho biết thêm.

Qua những con số thống kê trên, có thể khẳng định, sản phẩm gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp. Thông qua phát triển rừng trồng kinh tế, thu nhập của người trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được cải thiện, đời sống được nâng cao, lao động nông thôn có việc làm ổn định. Người dân yên tâm gắn bó với rừng, làm giàu từ nghề rừng, góp phần lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay, công tác quy hoạch trồng rừng, trồng rừng gỗ lớn, nhất là việc chế biến sản phẩm từ gỗ vẫn còn manh mún, chưa hình thành được các khu, cụm công nghiệp công nghệ cao; vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm; việc liên kết chuỗi giá trị sản phẩm còn nhiều hạn chế. 

Để người trồng rừng có thể làm giàu bền vững từ các loại sản phẩm từ gỗ rừng trồng thì địa phương, doanh nghiệp cần phải có chiến lược và các giải pháp vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược dài hơi.

Văn Tuấn
(Bài cuối: Cần có giải pháp căn cơ)