Yên Bái không để người có công khó khăn về nhà ở

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2022 | 1:51:25 PM

YênBái - Tỉnh Yên Bái hiện quản lý, thực hiện chính sách ưu đãi đối với trên 11 vạn hồ sơ người có công, người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc; hơn 6.200 người và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền Thực - thân nhân liệt sĩ ở tổ dân phố Phúc Thọ, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái phấn khởi trong ngôi nhà mới.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền Thực - thân nhân liệt sĩ ở tổ dân phố Phúc Thọ, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái phấn khởi trong ngôi nhà mới.


Công tác người có công với cách mạng được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công. Đây là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch giảm nghèo bền vững của tỉnh, góp phần giải quyết cơ bản tình trạng hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hiền Thực - thân nhân liệt sĩ ở tổ dân phố Phúc Thọ, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái được hỗ trợ làm nhà ở từ tháng 7 năm 2020. Hai năm được ở trong căn nhà khang trang, kiên cố, kinh tế gia đình dù vẫn còn những khó khăn song cuộc sống của gia đình bà Thực đã dần ổn định. 

Bà Thực chia sẻ: "Khi làm căn nhà này, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng và được bà con hàng xóm giúp đỡ ủng hộ. Hai năm nay, chúng tôi không còn phải lo lắng mỗi khi trời mưa bão nữa. Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”. 

Cũng giống như gia đình bà Thực, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến - thương binh hạng 3/4 ở tổ 8, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cũng mới được hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa lại nhà. 

Ông Chiến cho hay: "Tôi rời quân ngũ trở về với những vết thương trên người, nhiều lúc trái gió, trở trời cơ thể đau yếu luôn. Được sự quan tâm, động viên của các cấp ủy, chính quyền tạo điệu kiện về mọi mặt và nhất là được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà nên bây giờ tôi đã có cuộc sống ổn định hơn. Tôi và gia đình rất phấn khởi trước sự quan tâm chu đáo của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương đã quan tâm chăm lo”. 

Giai đoạn 2018 - 2022, tỉnh Yên Bái triển khai hỗ trợ làm nhà ở cho người có công với cách mạng được 1.845 nhà (trong đó làm mới 1.149 nhà, sửa chữa 696 nhà), tổng kinh phí thực hiện trên 61.621 triệu đồng từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa” và nguồn xã hội hóa. 

Việc xây dựng, hỗ trợ nhà ở cho người có công thực hiện nguyên tắc; hỗ trợ cho người có công với cách mạng phải đảm bảo công khai, minh bạch, tránh thất thoát, phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ; Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình người có công với cách mạng, bảo đảm nâng cao điều kiện nhà ở của gia đình người có công với cách mạng. 

Việc tổ chức làm nhà ở cho các hộ gia đình người có công được áp dụng theo các tiêu chí của Bộ Xây dựng hướng dẫn. Một số địa phương đã chủ động nâng tiêu chí chất lượng, yêu cầu hộ gia đình được hưởng lợi bổ sung các hạng mục phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh) trong quá trình thực hiện để cải thiện toàn diện điều kiện sinh hoạt. Phần lớn các hộ gia đình trực tiếp nhận kinh phí hỗ trợ và tự chịu trách nhiệm trong việc thi công, huy động thêm nguồn lực của gia đình, anh em, dòng họ và sự hỗ trợ ngày công của người dân cùng thôn, bản nên giá trị công trình vượt nhiều so với mức hỗ trợ. Các ban, ngành liên quan đã phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát kịp thời việc thực hiện cũng như tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở. 

Yên Bái còn 101 đối tượng người công với cách mạng thuộc hộ nghèo. Trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công, ngành lao động - thương binh và xã hội tiếp tục tham mưu với tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương xóa nghèo cho hộ nghèo chính sách người có công. 

Tập trung hướng dẫn, vận động trực tiếp để hộ nghèo người có công nắm được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước tự giác tham gia kế hoạch xóa nghèo của địa phương, phát huy trách nhiệm của bản thân, nội lực của gia đình, tạo sự đồng thuận của người dân trong thực hiện kế hoạch thoát nghèo. 

Các địa phương rà soát, nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh, xác định nguyên nhân nghèo để xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra giải pháp thực hiện quyết liệt phù hợp với từng hộ gia đình. 

Bên cạnh đó, phải thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo chính sách người có công. Đối với hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo, cận nghèo, địa phương lập danh sách, nêu rõ hoàn cảnh cụ thể của từng hộ gia đình và thực hiện các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội phù hợp như: nhà ở, công trình vệ sinh, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, phương tiện nghe, xem; vận động hỗ trợ thường xuyên từ nguồn vận động xã hội.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng các giải pháp đồng bộ, phù hợp, tin tưởng tỉnh Yên Bái sẽ hoàn thành sớm mục tiêu phấn đấu cơ bản không còn hộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Thanh Ba