Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/8/2022 | 7:49:04 AM

YênBái - Chú trọng công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT); tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân; chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, sáng tạo; tham gia hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM)… là những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã và đang triển khai ở cơ sở.

Hội viên Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Hội viên Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Để đẩy mạnh các phong trào của nông dân phát triển, HND huyện chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; của Hội cấp trên về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… 

Công tác tuyên truyền được tổ chức với gần 2.000 buổi/năm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú thu hút trên 15.000 lượt hội viên và nông dân tham gia. Với phương châm hướng về cơ sở, HND các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn nông dân sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể, tập trung vào việc mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT; xây dựng nhiều mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi... 

Trong năm 2021 và 7 tháng năm 2022, Hội đã mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học gắn với sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại 3 xã là Lao Chải, La Pán Tẩn, Nậm Có; triển khai dự án chăn nuôi trâu, bò tại xã Lao Chải; chăn nuôi lợn, gà tại xã La Pán Tẩn; tập huấn kỹ thuật nuôi vịt bầu 2.250 con cho 12 hộ tại xã Khao Mang; dự án trồng cây ba kích và sâm đương quy của Nhật Bản cho 8 hộ tại xã Púng Luông; dự án nuôi lợn thương phẩm cho 4 hộ tại xã Dế Xu Phình…

Nhiều cây trồng mới được đưa vào trồng thử nghiệm: tại thị trấn Mù Cang Chải và xã La Pán Tẩn, Hội đã đưa vào trồng thử nghiệm 1.000 m2 cây sâm Hoàng shin cô; trồng 8.100 m2 cây dược liệu cỏ ngọt tại các xã Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Púng Luông; trồng 3 ha dứa tại xã Khao Mang, Hồ Bốn… Đánh giá các cây trồng thử nghiệm cho thấy đều phù hợp với đất đai, khí hậu, bước đầu cho hiệu quả và giá trị kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với cây lúa. 

Hàng năm, HND huyện Mù Cang Chải đã chủ động ký hợp đồng với Công ty Supe hóa chất Lâm Thao và Công ty hóa chất Apatits Lào Cai cung ứng trên 1.000 tấn phân bón trả chậm cho nông dân; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua 53 tổ tiết kiệm và vay vốn tạo điều kiện cho 2.097 hội viên vay vốn với số tiền trên 91 tỷ đồng để phát triển kinh tế. 

Toàn Hội có trên 4.000 hộ đăng ký tham gia, qua bình xét có 2.150 hộ hội viên được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập từ 80 triệu đồng đến trên 200 triệu đồng/năm, điển hình như gia đình các hội viên: Chang Thị Ca, bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông với mô hình nuôi gà đen; Sùng Chứ Cớ, bản Pú Cang, xã Nậm Khắt, mô hình chế biến chè Shan tuyết; Mùa A Câu, xã Mồ Dề, mô hình nuôi dê; Vừ A Tủa, xã Hồ Bốn, mô hình nuôi trâu, bò… 

Cùng đó, Hội tích cực vận động hội viên và nhân dân tham gia tu sửa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn; xây dựng các tuyến đường điện "Thắp sáng đường quê”; tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng thôn, bản xanh, sạch, đẹp…, góp phần đưa tỷ lệ hộ gia đình hội viên HND đạt gia đình văn hóa đạt trên 90%.

Ông Nguyễn Long Hải - Chủ tịch HND huyện khẳng định: "Hoạt động của Hội nông dân huyện và các cấp Hội cơ sở đã có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Hội đã tổ chức nhiều chương trình phối hợp mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở gắn kết, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhiều địa phương còn xây dựng được các mô hình điển hình trong sản xuất, kinh doanh hiệu quả do khai thác tốt lợi thế tiềm năng, lợi thế nguồn đất đai, lao động, góp phần nâng cao đời sống hội viên, nông dân, tạo diện mạo cho nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc…”. 

Thạch Phong