Yên Bái: Ngành bán lẻ, dịch vụ khởi sắc

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/9/2022 | 7:39:57 AM

YênBái - Hiện nay, nền kinh tế đang trên đà hồi phục và phát triển, thu nhập của người dân nâng lên, giá xăng và nguyên liệu đầu vào dần ổn định. Đây là điều kiện để hoạt động bán lẻ, dịch vụ trên địa bàn Yên Bái khởi sắc trở lại.

Khách hàng mua sắm tại Vincom Plaza Yên Bái.
Khách hàng mua sắm tại Vincom Plaza Yên Bái.

Khảo sát tại các cửa hàng, các đơn vị bán lẻ trên địa bàn cho thấy, lượng khách, doanh số bán hàng đều tăng khá cao so với cùng kỳ.

Chị Nguyễn Thị Sâm, chủ một cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: "Tuy doanh thu chưa đạt so với kỳ vọng nhưng lượng khách vào mua sắm tại cửa hàng đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong 2 tháng trở lại đây, lượng khách tăng đáng kể. Hiện nay, giá xăng và các nguyên liệu đầu vào cơ bản ổn định là điều kiện  thuận lợi để cửa hàng nâng cao doanh số bán hàng”. 

Các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố Yên Bái đã tăng khá cao khác hẳn với khung cảnh vắng vẻ trước đây. 

Để thu hút người tiêu dùng, kích cầu mua sắm, thời gian qua, các siêu thị thường xuyên tổ chức, hưởng ứng các chương trình khuyến mãi, kích cầu hàng Việt. Theo đại diện các siêu thị, lượng khách đến tham quan, mua sắm có mức tăng trưởng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2021. 

Theo Sở Công Thương, từ đầu năm tới nay, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu và giá cước vận tải tăng đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp và sự phục hồi của hoạt động thương mại trong tỉnh. 

Song, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương và sự nỗ lực khắc phục khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, ngành công thương đã chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu với tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, hoạt động bán lẻ, dịch vụ trên địa bàn đã sôi động trở lại. 

Theo Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn trong 8 tháng đầu năm đạt 15.474,8 tỷ đồng, bằng 65,85% kế hoạch, tăng 10,74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành thương mại bán lẻ ước doanh thu đạt trên 13.430 tỷ đồng, tăng 10,55% so cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động dịch vụ đạt 964,6 tỷ đồng, tăng 17,86% so cùng kỳ năm trước. 

Cùng với đó, hàng loạt sự kiện du lịch tại các địa phương đã và đang diễn ra đã mở đường tái gia nhập thị trường của số lượng lớn doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng. 

Theo Cục Thống kê tỉnh, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 8/2022 ước đạt 145,1 tỷ đồng, tăng 1,21% so tháng trước, tăng 7,78% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành đạt trên 1.079 tỷ đồng, tăng 7,27% so cùng kỳ năm trước.

Từ nay đến cuối năm là khoảng thời gian mang đến nhiều triển vọng tăng trưởng cho các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ. Hiện nay, giá xăng dầu đang có xu hướng giảm là tín hiệu vui cho người dân nói chung và các đơn vị sản xuất, kinh doanh nói riêng. 

Cùng với đó, hàng loạt sự kiện du lịch tại các địa phương là điều kiện để hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch tăng cao. Đây cũng là thời điểm để các nhãn hàng, chuỗi cửa hàng tạo cú hích bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tiếp thị sản phẩm nhằm thu hút khách nâng cao doanh số bán hàng. 

Để hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục khởi sắc, thời gian tới, ngành công thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong tỉnh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; các chương trình hội nghị trong nước, quốc tế để quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản, các sản phẩm OCOP, đặc sản, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. 

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hỗ trợ hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp tham gia xây dựng gian hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử của tỉnh và các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Chính phủ. 

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại và các chương trình kích cầu tiêu dùng của Bộ Công Thương trong các tháng cuối năm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, đôn đốc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định về khai thác chế biến khoáng sản, thủy điện, kinh doanh xăng dầu khí hóa lỏng, vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến mãi, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại ổn định thị trường bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.

Nguyễn Thị Hà