Nguồn lực quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/9/2022 | 7:41:29 AM

YênBái - Đảng và Nhà nước luôn coi mục tiêu giảm nghèo bền vững - an sinh xã hội là một trong những mục tiêu lớn trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Để thực hiện các mục tiêu đó, có rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Người dân được vay vốn thử nghiệm trồng cam trên đất trồng bưởi ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã cho kết quả khả quan.
Người dân được vay vốn thử nghiệm trồng cam trên đất trồng bưởi ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình đã cho kết quả khả quan.

Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách đó, người nghèo rất cần một nguồn lực tài chính ưu đãi với một phương thức phù hợp để giúp họ có vốn làm ăn, biết cách làm ăn, thoát khỏi tư tưởng bao cấp và vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Với đòi hỏi khách quan đó, tháng 10/2002, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP (Nghị định số 78) về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách của Chính phủ được ban hành và việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã thực sự trở thành giải pháp hữu hiệu để thực thi chính sách an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. 

Yên Bái là một tỉnh miền núi có 9 đơn vị hành chính với tổng số 173 xã, phường, thị trấn; trong đó 137 xã thuộc khu vực dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 79,19% tổng số xã của tỉnh; 2 huyện vùng cao nằm trong 74 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước.

Chính vì vậy, Nghị định số 78 của Chính phủ đã tạo cho tỉnh có nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất, kinh doanh. Trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, UBND tỉnh và Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) NHCSXH tỉnh. 


Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ quý II năm 2022.  

Với phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện và bộ máy điều hành tác nghiệp NHCSXH được xây dựng theo hướng tinh gọn, tổ chức điều hành, quản lý thống nhất trong toàn tỉnh, đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, an toàn. Cùng với đó, NHCSXH xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo về số lượng, tinh thần trách nhiệm cao, chuyên nghiệp, luôn gần dân, sát dân. 

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Bên cạnh đó, nhằm tiết giảm chi phí của người vay, thực hiện dân chủ, công khai việc sử dụng vốn tín dụng chính sách, NHCSXH tổ chức hoạt động giao dịch lưu động tại các xã, phường, thị trấn. 

Đến nay, mạng lưới điểm giao dịch của NHCSXH đã phủ kín 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với 173 điểm giao dịch tại 173 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với có 2.309 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đang hoạt động, được xem là cánh tay nối dài của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách, tạo cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn bảo đảm công khai, dân chủ, đem lại hiệu quả kinh tế một cách rõ nét. 

Đến 31/8/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.023,5 tỷ đồng, tăng 3.878,5 tỷ đồng so với thời điểm bắt đầu triển khai Nghị định số 78. Từ 2 chương trình tín dụng chính sách bàn giao ban đầu với dư nợ 173 tỷ đồng, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách dư nợ 4.017,8 tỷ đồng với 81.022 khách hàng còn dư nợ, tăng 24.101 khách hàng so với năm 2003, tăng 15 chương trình, tăng 3.848,4 tỷ đồng dư nợ. 

Doanh số cho vay 20 năm đạt 9.793 tỷ đồng với 443.463 lượt khách hàng lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 17,2%. 

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 3 - 4%. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh là 4,76%. Những kết quả đạt được trong 20 năm qua có thể khẳng định vai trò của tín dụng chính sách và NHCSXH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

Bám sát Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Yên Bái xác định giai đoạn tới tập trung vào một số mục tiêu chủ yếu sau: Nguồn vốn mỗi năm tăng trưởng bình quân 10%, phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 10.000 tỷ đồng (trong đó: nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đến năm 2030 đạt 250 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng nguồn vốn; dư nợ mỗi năm tăng trưởng bình quân 10%, phấn đấu đến năm 2030 dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn duy trì <0,15%; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ. 

Để hoàn thành mục tiêu này, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đề ra một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. 

Hai là, phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai tín dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức hoạt động và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.

Ba là, tích cực huy động nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. UBND cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên chuyển nguồn vốn từ ngân sách sang NHCSXH để ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Kế hoạch số 42-KH/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 420/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai Kết luận 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bốn là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, thường xuyên kiểm tra giám sát và nâng cao chất lượng kiểm tra giám sát nhằm chấn chỉnh kịp thời những tồn tại. NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các  chương trình tín dụng chính sách. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đầy đủ và chất lượng các công việc nhận ủy thác. Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV.

Năm là, triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Đầu tư vốn các chương trình tín dụng chính sách một cách hợp lý, nâng mức cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của người vay. Chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được vay vốn kịp thời, đúng đối tượng.

Sáu là, tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý tốt nguồn vốn ưu đãi, làm tốt công tác cho vay thu nợ, thu hồi vốn đến hạn để cho vay quay vòng. Tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư hiểu rõ về chính sách tín dụng ưu đãi để cùng chung tay quản lý, đồng thời xoá bỏ tư tưởng bao cấp, trông chờ, ỷ lại để người nghèo nỗ lực sử dụng đồng vốn ưu đãi có hiệu quả vươn lên thoát nghèo. 

Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động của tổ TK&VV, tình hình sử dụng vốn của người vay; NHCSXH chú trọng công tác đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tác nghiệp, nâng cao chất lượng ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, nâng cao năng lực hoạt động của ban quản lý tổ TK&VV. Đảm bảo cán bộ làm ủy thác, cán bộ tổ TK&VV có kiến thức cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát, phát hiện, phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn sử dụng vốn có hiệu quả cho người nghèo và các đối tượng chính sách.



Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh