Giám sát việc thực hiện các khoản thu đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện Yên Bình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/11/2022 | 8:03:48 PM

YênBái - Ngày 25/11, Đoàn công tác Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Yên Bái đã có buổi giám sát việc thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện Yên Bình.

Đồng chí Hoàng Thị Lan Hương - Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Hoàng Thị Lan Hương - Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Toàn huyện Yên Bình hiện có 52 trường với 840 nhóm lớp, 26.499 học sinh các cấp, 1.610 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các trường học; 787 phòng học kiên cố và có 22 phòng bán kiên cố. 

Thời gian qua, các khoản thu, mức thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, hoạt động xã hội hóa giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện theo Nghị quyết 59 và Nghị quyết 24 (Nghị quyết 59 quy định về các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm học 2021-2022; Nghị quyết 24 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 59 của HĐND tỉnh Yên Bái quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm học 2021 - 2022) cơ bản phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nhân dân địa phương. 

Năm học 2021 - 2022, 2022 - 2023, các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trên địa bàn là 27 tỷ 944 triệu đồng, tổng chi là 27 tỷ 816 triệu đồng.

Đoàn đã làm việc tại Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân & Trường THCS thị trấn Yên Bình. Từ năm học 2021-2022 đến nay, 2 trường đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí huy động để mua sắm, sửa chữa trang thiết bị học tập, thiết bị phục vụ bán trú và thuê nhân viên nấu ăn, vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh, nước uống cho học sinh, hỗ trợ cho giáo viên trực tiếp trông trưa, tổ chức nấu ăn cho trẻ… Các nguồn thu, chi đều đảm bảo công khai, minh bạch, có sự thống nhất giữa phụ huynh và nhà trường. 

2 đơn vị cũng đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 2 nghị quyết như: đời sống của nhân dân chưa cao nên việc thu nộp các khoản đóng góp còn chậm; cơ sở vật chất hạng mục đã xuống cấp, thiết bị dạy học chưa được cấp bổ sung; việc thực hiện huy động mới chỉ hỗ trợ được phần nào việc sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, bảo trì đồ dùng, thiết bị dạy học, mua sắm vật tư phục vụ học tập của học sinh. Qua đó, 2 trường đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu; cấp bổ sung thêm nguồn kinh phí chi hoạt động thường xuyên để nhà trường có thêm kinh phí cải tạo sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất; đồng thời, để giảm bớt các khoản thu, giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

Kết luận buổi làm việc, đoàn giám sát đã có ý kiến đối với từng nhiệm vụ của 2 nhà trường, đồng thời đề nghị Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện và 2 nhà trường tiếp tục bám sát Nghị quyết số 59, Nghị quyết số 24, niêm yết công khai trên website của trường và tại trụ sở nhà trường; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền tới các bậc phụ huynh; bổ sung đầy đủ nội dung còn thiếu, cần chỉnh sửa để hoàn thiện báo cáo phù hợp đúng quy định theo nội dung 2 nghị quyết. Các ý kiến, kiến nghị khác, đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo cấp trên xem xét giải quyết.

                                                                                                                                      Hữu Nghĩa 
(Trung tâm TTVH Yên Bình)