Thiếu thuốc và vật tư y tế: Mắc đâu, gỡ đó

  • Cập nhật: Chủ nhật, 12/3/2023 | 8:18:59 AM

Sau Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ, hiện tại Hà Nội các bệnh viện bắt đầu rà soát, kiểm tra lại công tác đấu thầu, hệ thống máy móc, thuốc men, vật tư, hóa chất phục vụ người bệnh với tinh thần mắc đâu, gỡ đó. Tại TPHCM, quyết định của Chính phủ cũng được kỳ vọng những bất cập về thuốc và thiết bị vật tư y tế thời gian qua sẽ sớm chấm dứt.

Bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Bệnh nhân đã có lịch mổ

Việc Chính phủ liên tiếp ban hành 2 văn bản: Nghị quyết 30/NQ-CP về thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), đấu thầu trong y tế và Nghị định 07/NQ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc men tại các cơ sở y tế.

Ghi nhận tại Hà Nội, một số bệnh viện tuyến trung ương cùng với việc tiếp tục duy trì các hoạt động chuyên môn, cấp cứu, khám chữa bệnh hàng ngày thì các đơn vị đã nhanh chóng bắt tay ngay vào triển khai đấu thầu, mua sắm hóa chất, trang thiết bị y tế, thuốc men.

Tại Bệnh viện Việt Đức, sau khi bệnh viện thông báo hạn chế mổ phiên từ ngày 1/3 để tập trung mổ cấp cứu do thiếu vật tư y tế và hóa chất, lượng người bệnh tới khám, điều trị vẫn rất đông. Vào thời điểm này, một số bệnh nhân cho biết họ đã được bác sĩ thông báo chuẩn bị phẫu thuật vào đầu tuần sau, một số trường hợp khác mới nhập viện được hẹn lịch phẫu thuật sang giữa tuần sau. Bà Nguyễn Thị Vân (63 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) chia sẻ: "Chồng tôi bị sỏi mật, vào bệnh viện điều trị từ cuối tháng trước, tới nay mới được bác sĩ thông báo hết tuần này sẽ được phẫu thuật. Tôi rất mừng vì bệnh viện đã mua được thuốc men, vật tư, để người bệnh không phải chờ thêm nữa”.

Cũng tại Bệnh viện Việt Đức, ngồi chờ tới lượt làm các thủ tục để chuẩn bị mổ chân cho anh trai vừa bị tai nạn giao thông, chị Hà Thị Xuân (Thái Bình) cho biết, anh trai chị nhập viện ngày 10/3 và theo lịch sẽ được bác sĩ phẫu thuật sau 3 ngày nữa.

Còn tại khoa Mắt - Bệnh viện Bạch Mai, ông Trần Ngọc Hưng (75 tuổi, Long Biên, Hà Nội) khám chữa bệnh bằng bảo hiểm cũng nhận được thông tin các bác sĩ cho biết cuối tháng 3 này ông sẽ được mổ mắt.

Theo GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, ngay khi Chính phủ ban hành 2 văn bản gỡ vướng mua sắm trang thiết bị, vật tư, bệnh viện đã nhanh chóng liên hệ với các nhà cung cấp và đối tác cho biết 1 tuần nữa sẽ cung cấp đầy đủ hóa chất, vật tư y tế theo yêu cầu của bệnh viện. Sang tuần, bệnh viện sẽ hoạt động bình thường, người bệnh hoàn toàn yên tâm đến khám chữa bệnh.

Không chỉ tại Bệnh viện Việt Đức mà ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 được ban hành với nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ, tại nhiều bệnh viện khác cũng đã bắt tay ngay vào triển khai 2 văn bản để nhanh chóng tiến hành mua sắm đấu thầu trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện người bệnh tới khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn phải chờ đợi khá lâu để làm các chẩn đoán lâm sàng như: chụp CT, chụp cắt lớp do nhiều hệ thống máy móc liên doanh liên kết đang tạm dừng vì thiếu vật tư và hư hỏng. Sau khi Nghị quyết 30 được ban hành, bệnh viện đã khẩn trương rà soát tổng thể, những thiết bị nào còn hoạt động được sẽ hoàn tất các thủ tục để sớm đưa vào phục vụ người bệnh, thiết bị nào hỏng sẽ sớm sửa chữa để phục hồi hoạt động. 

"Điều này cởi trói lớn cho Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế khác để có thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân. Hiện bệnh viện đã bắt đầu thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo đúng quy định mới nên trong tháng này sẽ cơ bản tháo gỡ được những khó khăn trong hoạt động”- PGS.TS Đào Xuân Cơ bày tỏ.

Tuy vậy, tại Cần Thơ, dù đã có Nghị quyết 30, nhưng các bệnh viện hiện vẫn phải mất từ 6 - 8 tháng nữa mới xong gói thầu trang thiết bị, vật tư y tế năm nay. Theo BS Huỳnh Minh Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, thời gian qua, bệnh viện gặp nhiều khó khăn do vướng cơ chế đấu thầu và mua sắm vật tư trang thiết bị nên có tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất. Nghị định 7 và Nghị quyết 30 giải quyết được rất nhiều khó khăn của ngành y tế, các bệnh viện rất mừng. Tuy nhiên, Nghị quyết 30 của Chính phủ là giải pháp được áp dụng tạm thời do liên quan đến vấn đề hậu kiểm. Để giải quyết căn cơ và triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, bệnh viện cần nhiều thời gian để bàn bạc, xem xét và nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

Làm rõ những băn khoăn

Mới đây, tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết 30/NQ-CP về thanh toán BHYT, đấu thầu trong y tế và Nghị định 07/NQ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ mong muốn lắng nghe những gì còn vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn để phối hợp với các bộ, ngành Trung ương báo cáo lên Chính phủ.

Nhiều đơn vị cũng trao đổi về việc vẫn còn những cách hiểu khác nhau trong các văn bản hướng dẫn. Một số lãnh đạo Sở Y tế và các bệnh viện bày tỏ mong muốn, đối với những loại thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế độc quyền, chỉ có một đơn vị sản xuất, cung ứng, nên chuyển sang hình thức đàm phán giá, thay vì tổ chức đấu thầu như hiện nay. Đáng chú ý, các đơn vị cũng thắc mắc về việc những hướng dẫn trong Nghị quyết 30 mới chỉ mang tính tạm thời, liệu sau này có được chấp nhận khi thanh tra, kiểm toán hay không. Đồng thời đề xuất việc cần triển khai Nghị quyết 30 của Chính phủ tới các ngành khác để về sau không gây khó cho các đơn vị của ngành y tế trong quá trình thanh tra, kiểm tra…

Từ thực tế địa phương, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên cho biết, trước đó bệnh viện có máy lọc thận nhân tạo có liên doanh, liên kết từ tháng 1/2021. Sau đó bệnh viện được trao tặng hơn 20 máy lọc thận nhân tạo và hệ thống lọc nước. Bệnh viện đã làm thủ tục sở hữu vào tháng 4/2022, sau 15 tháng bệnh nhân vẫn được điều trị, đảm bảo chất lượng. Nhưng bảo hiểm y tế không chi trả chi phí điều trị mà nguồn tài chính của bệnh viện chi ra để lọc máu cho bệnh nhân trên 15 tháng. Bệnh viện thuộc tự chủ chi thường xuyên ở mức độ 2, rất khó khăn về vấn đề tài chính. Do đó đề nghị Bộ Y tế có ý kiến tháo gỡ để bệnh viện tiếp tục chạy thận cho bệnh nhân.

Bà Đinh Thị Liễu, chuyên gia của Sở Y tế TP HCM nhìn nhận, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 chỉ hướng dẫn về trang thiết bị, còn các gói phi tư vấn như sửa chữa, bảo trì, bảo hành... thì chưa được nhắc đến. Do đó, các đơn vị chưa biết thực hiện thế nào trong việc sửa chữa các gói máy móc, trang thiết bị lớn.

Còn bác sĩ chuyên khoa 2 Châu Văn Đính - Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM cho rằng, cần có một cơ quan chủ trì định giá để bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế, vì các hoạt động thanh tra, kiểm tra sau đó hầu như đều xoáy vào việc báo giá.

Nhìn nhận những giải pháp gỡ khó cho thiết bị vật tư y tế, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ chỉ mang tính tạm thời, "chữa cháy". Các bộ, ngành không riêng ngành y tế phải sửa các luật theo hướng thoáng hơn, cụ thể là Luật Đấu thầu, các nghị định, thông tư về mua sắm... "Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần sự tham gia trách nhiệm hơn nữa của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, do đây là vấn đề kinh tế y tế chứ không chỉ là chuyên môn y tế. Trong sửa đổi Luật Đấu thầu sắp tới, nên có một quy định riêng cho thuốc và trang thiết bị y tế”- bà Lan kiến nghị.

(Theo daidoanket)