Ủy quyền và thực quyền

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/5/2023 | 9:01:10 AM

Anh bạn tôi vừa tâm sự chuyện không mấy vui xung quanh việc được ủy quyền tham dự một cuộc họp quan trọng vì lãnh đạo cơ quan đi công tác. Tưởng rằng sẽ lĩnh hội được nhiều ý kiến chỉ đạo từ trên để báo cáo với lãnh đạo, nhưng cuộc họp chuẩn bị bắt đầu thì anh đành ra về với vẻ mặt đầy ái ngại vì không đúng thành phần triệu tập.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không khó để nhận thấy, trong các hoạt động hành chính công vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương, vì người đứng đầu bận giải quyết rất nhiều công việc nên thường giao cấp phó hoặc cấp dưới làm thay những phần việc khác thuộc chức trách, nhiệm vụ của mình, như: ủy quyền dự họp, tham gia đoàn công tác, tiếp công dân, giải quyết vụ việc...

Trong nhiều trường hợp, cấp trưởng ủy quyền cho cấp phó, cấp trên ủy quyền cho cấp dưới là cần thiết vì không phải lúc nào người đứng đầu cũng có thời gian để chủ trì một hội nghị hay giải quyết một sự vụ nào đó. Thế nhưng, không ít trường hợp khác, ủy quyền lại vô tình lợi bất cập hại, thậm chí trở nên kệch cỡm vì không đúng vai, không đúng thành phần triệu tập... Bởi thế, có người ví von, ủy quyền thay mặt cấp trên thực chất chỉ là cho đủ chỗ, đủ thành phần, không có thì thiếu, có thì thừa, vừa không giải quyết được việc gì mà còn làm mất thời gian của người được ủy quyền.

Trên thực tế, không hiếm gặp những hội nghị có tính chất quan trọng, ban tổ chức triệu tập đông đủ các thành phần. Một vài cơ quan, người đứng đầu vì bận công việc nên ủy quyền cho cấp dưới tham gia, nhưng người được ủy quyền chỉ chờ đến lượt phát biểu để đọc bản báo cáo về kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị mình rồi nhanh chóng ra về. Đến cuối hội nghị, nhìn đi nhìn lại, thành phần tham dự cứ thưa dần. Lại có trường hợp, người được ủy quyền thay mặt lãnh đạo dự hội nghị nhưng không đúng lĩnh vực mình phụ trách nên không hiểu vấn đề, không nắm được nội dung để phát biểu, góp ý. Cũng có hội nghị, khi người chủ trì xin ý kiến của cơ quan này, đơn vị kia, nhưng cán bộ dự họp là người được ủy quyền không dám phát ngôn nên đành trả lời ngắn gọn rằng sẽ "báo cáo lãnh đạo” và trả lời sau bằng văn bản...

Đáng nói và đáng bàn hơn là ngay trong công tác tiếp dân, đối thoại với cơ sở, nhiều lãnh đạo cơ quan, địa phương cũng viện lý do bận giải quyết công việc rồi ủy quyền cho cấp dưới. Rõ ràng, khi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp tiếp dân, đối thoại với cơ sở thì sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết ngay những vấn đề nhân dân đang quan tâm, cơ sở đang trông đợi; qua đó giải quyết kịp thời khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ sở ngay từ khi mới phát sinh. Trong khi, người được ủy quyền chỉ có thể chỉ đạo giải quyết các vấn đề trong thẩm quyền và phần lớn kiến nghị, phản ánh sẽ được ghi chép, tổng hợp lại để báo cáo lãnh đạo cho ý kiến chỉ đạo. Điều này lý giải nguyên do, có không ít vụ việc, nhiều nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phản ánh từ cơ sở sau nhiều năm chưa được giải quyết mà vẫn cứ nằm trong báo cáo và rơi vào quên lãng.

Có thể thấy rằng, khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu, trách nhiệm, "đúng vai, thuộc bài”, làm tốt nhiệm vụ được giao sẽ hạn chế tối đa việc ủy quyền. Hơn nữa, cán bộ dù ở vị trí nào, có "đúng vai, thuộc bài” mới "danh chính ngôn thuận” trong mọi hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Thế nên, với cán bộ được ủy quyền, khi "danh" không chính, "ngôn" sẽ khó thuận và phát ngôn của người được ủy quyền khó lòng bảo đảm được uy lực, hiệu lực.

(Theo QĐND)