Sáng 25/5, bốn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tham gia thảo luận tổ

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/5/2023 | 12:39:30 PM

YênBái - Sáng nay - 25/5, thảo luận ở tổ cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh Hòa Bình, Khánh Hòa, Bình Phước, các đại biểu: Đỗ Đức Duy, Phạm Thị Thanh Trà, Nguyễn Thành Trung, Khang Thị Mào của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia ý kiến. Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Yên Bái Đỗ Đức Duy chủ trì thảo luận.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu chủ trì thảo luận.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu chủ trì thảo luận.

Thảo luận của các đại biểu tỉnh Yên Bái đã bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%...

Phát biểu thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh những kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật trong thời gian qua đồng thời nêu những khó khăn gay gắt, nặng nề Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Đó là động lực phát triển kinh tế suy giảm do tổng cầu thế giới giảm mạnh; các thị trường đối mặt khó khăn nhất là tài chính - ngân hàng, bất động sản, thị trường lao động; doanh nghiệp thiếu đơn hàng; lạm phát có xu hướng tăng…


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tình trạng bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng 

Thông tin về nhiệm vụ sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với cơ cấu lại tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Trà nhấn mạnh tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong công vụ. 

Đại biểu cho rằng, đây là biểu hiện suy thoái về chính trị, bởi những biểu hiện này chính là vi phạm các quy định của Đảng trong các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thứ nữa là vi phạm quy định của các luật. 

"Chúng ta cần phải có thái độ rõ ràng, không bênh che các biểu hiện này. Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang rất khó khăn nhưng có một tình trạng như vậy làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính Nhà nước” - đại biểu Trà nêu ý kiến. 

Cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ thị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan hành chính Nhà nước, Bộ trưởng nêu những nhóm nhiệm vụ cần phải thực hiện để nâng cao chất lượng công vụ. Đó là nhóm nhiệm vụ về nhận thức; hoàn thiện thể chế chính sách; cải cách hành chính, nêu cao đạo đức công vụ, trách nhiệm người đứng đầu và tham mưu thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.

Tham gia ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ những nội dung rất cụ thể. Đó là chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất quốc phòng, an ninh; phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất quốc phòng, an ninh để thực hiện điều chuyển cho địa phương quản lý, khai thác sử dụng theo quy hoạch đối với những cơ sở nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 


Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành đồng bộ, đầy đủ hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá...

Đại biểu Duy cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành đồng bộ, đầy đủ hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, khung giá dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng ngân sách Nhà nước để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng, cung cấp dịch vụ công có sử dụng ngân sách Nhà nước nói riêng cũng như thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung. 

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm có hướng dẫn cũng như xây dựng các phương án, đề án để sắp xếp các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách theo hướng thu gọn đầu mối. Đối với những quỹ hoạt động không hiệu quả thì có phương án xử lý để giải thể. 

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Đức Duy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước cũng như việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa khi mà hiện nay có những lĩnh vực rất cần thiết có chủ trương của Chính phủ để tiến hành sắp xếp, thoái vốn...

Đại biểu Duy cũng đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm ban hành kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn từ nay đến 2026 và 2030 để các địa phương có thể thực hiện trong năm 2024 trước khi triển khai đại hội Đảng các cấp vào năm 2025 để kết hợp giải quyết vấn đề cán bộ, công chức đối với những đơn vị cần sắp xếp, sáp nhập. 


Đại biểu Nguyễn Thành Trung phát biểu thảo luận ở tổ.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội bày tỏ tán thành việc trình Quốc hội ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong kỳ họp này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng theo hướng giảm 2% đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng vì nền kinh tế gặp nhiều khó khăn từ quý IV năm 2022 và trong 4 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng giảm nhanh.

Đại biểu cho rằng, sự sụt giảm từ phía tổng cầu dẫn đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn, nhất là trong khu vực công nghiệp - xây dựng. Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp, mặt bằng lãi suất cho vay tăng mạnh trong năm 2022 và vẫn còn duy trì ở mức cao trong quý I/2023 khiến doanh nghiệp không muốn vay hoặc gặp khó về đơn hàng đầu ra nên không vay. 

Thứ hai, việc giảm thuế giá trị gia tăng góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. 

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đại biểu Trung cho rằng, cùng với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cần có các giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, tiếp cận vốn thông qua chính sách tiền tệ như hạ lãi suất cho vay và đẩy mạnh hoạt động cho vay, giãn nợ ngân hàng.



Đại biểu Khang Thị Mào – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mù Cang Chải (ảnh trên) nhất trí với sự cần thiết báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam như Tờ trình của Chính phủ để nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thực hiện nhiệm vụ cấp bách phục hồi kinh tế - xã hội. 

Phân tích cơ sở pháp lý, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, mức vốn và nguồn bổ sung vốn điều lệ, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan giám sát việc sử dụng nguồn bổ sung vốn điều lệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đảm bảo hiệu quả, tập trung vào việc gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Hoàng Sâm - Minh Quang (lược ghi)