Sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là Chat GPT 3.5 đang tạo ra một loạt những thách thức tới việc làm của nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành công nghệ thông tin.
|
Bảng thống kê nhu cầu tuyển và thiếu nhân lực ngành công nghệ thông tin.
|
Ông Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sản xuất Tập đoàn Gameloft, chuyên gia với hơn 15 năm kinh nghiệm quản lý trong ngành này chia sẻ:"Theo thống kê, lực lượng làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay khoảng 530.000 người. Hiện nay, sinh viên nhập học liên quan đến lĩnh vực phần mềm ước tính từ 50.000 -57.000 người mỗi năm. "Đến năm 2025, Việt Nam cần khoảng 700.000 người làm về công nghệ thông tin và đang thiếu khoảng 200.000 người”.
Tuy nhiên, khi xuất hiện ứng dụng Chat GPT, điều này có thể thay đổi về công việc, việc làm. "Sử dụng thử Chat GPT, nhiều bạn sẽ thấy được rằng Chat bot này còn khá kém, không thể thay thế được công việc của con người.
Thậm chí, cách đây một năm, trước thời điểm Chat GPT ra đời, với công cụ Github Copilot (một công cụ AI hỗ trợ lập trình viên bằng cách tự động hoàn thành mã code) đã giúp người dùng gõ code nhanh hơn, trực tiếp ở trong Visual Studio Code (là một ứng dụng soạn thảo các loại code, để hỗ trợ người dùng trong quá trình áp dụng thiết kế website, hay biên tập code). Từ đó, có thể khiến cho các lập trình viên có thể hoàn thành công việc của mình chỉ trong một nửa thời gian so với trước kia.
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, anh Hoàng Hoa Trung, người sáng lập và điều hành dự án "Nuôi em", cựu học viên Hệ thống đào tạo Lập trình viên quốc tế Aptech chia sẻ: Tôi học công nghệ thông tin nhưng muốn đưa hoạt động đó lan toả công tác xã hội. Từ trải nghiệm của bản thân, quan trọng nhất với các bạn trẻ là tư duy phản biện và đặt câu hỏi có sức nặng. AI thay thế một số công việc nhưng không thể thay thế sự sáng tạo.
Tư vấn từ các chuyên gia công nghệ thông tin cho thấy có sự tương đồng với khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ các phiên giao dịch việc làm về định hướng nghề nghiệp của giới trẻ. Khảo sát cho thấy, đến 80% các bạn sinh viên, học sinh chọn nghề theo tâm lý phong trào. Trong khi việc lựa chọn nghề chưa dựa theo đam mê và thực lực chính bản thân.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của truyền thông (Facebook, Tiktok...) khiến giới trẻ bị cuốn theo sự hào nhoáng, "bề nổi" của những người có ảnh hưởng, KOLs giàu có, từ đó sinh ra tư tưởng tìm kiếm "việc nhẹ lương cao". Từ đó việc định hướng nghề nghiệp chưa đi sát với năng lực bản thân.
MQ - baotintuc