Cần thiết ứng dụng số trong quản lý, cập nhật các cơ sở dữ liệu công trình thủy lợi

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/10/2023 | 10:11:18 AM

YênBái - Phần mềm ứng dựng xây dựng hệ thống thông tin kết cấu hạ tầng thủy lợi là rất cần thiết và cấp bách. Bởi, nó sẽ phục vụ công tác quản lý, khai thác vận hành và đáp ứng mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Yên Bái hiện nay.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Yên Bái kiểm tra các điều kiện an toàn đập thủy lợi tại huyện Trấn Yên.
Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Yên Bái kiểm tra các điều kiện an toàn đập thủy lợi tại huyện Trấn Yên.

Kế hoạch số 1163/KH-UBND tỉnh Yên Bái, ngày 25 tháng 7 năm 2022 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 đã ghi rõ "Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có 5 huyện đạt chuẩn NTM và huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM nâng cao”. Song để Trấn Yên đạt được chuẩn NTM nâng cao đòi hỏi huyện phải đạt tiêu chí các công trình thủy lợi do huyện quản lý được bảo trì, nâng cấp, đảm bảo tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu theo chuyển đổi số, trong khi tỉnh và huyện chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về hạ tầng các công trình thủy lợi.

Thực tế, Trấn Yên, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, hiện chỉ đang quản lý cơ sở dữ liệu các công trình thủy lợi bằng phương pháp thủ công (dưới dạng bảng Excel, Word..), chưa đồng bộ, tách biệt theo từng đơn vị quản lý, chưa có sự thống nhất, đồng bộ, kết nối và chia sẽ dữ liệu giữa các cấp chính quyền. Công tác quản lý dữ liệu công trình thủy lợi không đồng nhất; cơ sở dữ liệu lưu trữ chưa đầy đủ các thông tin cần thiết, chưa có bản đồ tổng thể (đặc biệt là bản đồ số), tọa độ GPS kèm theo hình ảnh công trình.

Đặc biệt, Yên Bái là tỉnh miền núi, có địa hình đồi núi dốc, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, các công trình thuỷ lợi của tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ, phân bố phân tán xa khu dân cư, thường xuyên bị bồi lắng, sạt lở, hư hỏng về mùa mưa lũ nên việc kiểm tra, quản lý vận hành, quản lý thông tin, hiện trạng công trình còn gặp nhiều khó khăn; hồ sơ thiết kế công trình thất lạc, nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa còn hạn chế dẫn đến nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp chưa được khắc phục kịp thời... 

Các công trình đập, hồ chứa nước chưa được lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập, hồ chứa và vùng hạ du theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 01/11/2018 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh... 

Những lý do trên dẫn đến khó khăn trong việc chỉ đạo, quản lý, điều hành; quản lý, khai thác, phân cấp quản lý sử dụng, quản lý tài sản, sửa chữa các công trình, đánh giá sự an toàn của công trình cũng như khó khăn trong việc thống kê, tổng hợp báo cáo.

Ông Trần Anh Văn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: "Để đáp ứng tối đa yêu cầu trong trong công tác quản lý hạ tầng thủy lợi, rất cần ứng dụng công nghệ bản đồ số (GIS), công nghệ di động nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, giám sát hoạt động vận hành, bảo trì công trình cho các cơ quan chuyên môn quản lý về lĩnh vực thủy lợi. Từ đó, sẽ giúp các cơ quan chuyên môn quản lý về lĩnh vực nắm rõ về giá trị, năm đưa vào sử dụng, địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất (m2), tình trạng hoạt động; các thông số kỹ thuật, vị trí và hình ảnh công trình và quá trình sửa chữa, nâng cấp …”.


Phần mềm ứng dụng quản lý sẽ giúp các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở quản lý hạ tầng thủy lợi một cách khoa học và minh bạch.

Được biết, Trung tâm Nghiên cứu địa tin học, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên đang đề xuất với UBND tỉnh Yên Bái đề tài khoa học năm 2023 "Xây dựng hệ thống thông tin kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ công tác quản lý, khai thác vận hành và đáp ứng mục tiêu chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái”. 

Đề tài nhằm mục tiêu: xây dựng hệ thống thông tin trực tuyến quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra công cụ quản lý và giám sát các công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái một cách hiệu quả, giúp công tác quản lý, kết xuất, báo cáo thống kê được thực hiện nhanh chóng, chính xác. Phân quyền quản lý, chỉnh sửa, cập nhật dữ liệu với từng cấp quản lý (xã, huyện, tỉnh) đáp ứng được tiêu chí "Các công trình thủy lợi được bảo trì, nâng cấp, đảm bảo tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu theo chuyển đổi số” của chương trình xây dựng xây dựng NTM cho cấp xã và cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh.

Rõ ràng, phần mềm ứng dựng xây dựng hệ thống thông tin kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ công tác quản lý, khai thác vận hành và đáp ứng mục tiêu chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay là rất cần thiết và cấp bách. Việc làm đó không chỉ giúp các huyện hoàn thành tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM và huyện đạt chuẩn NTM nâng cao theo đúng kế hoạch đề ra mà còn góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX về việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 2.333 công trình và cụm công trình thuỷ lợi; trong đó có 133 hồ chứa, 2.166 công trình và cụm công trình đập dâng, 34 công trình trạm bơm, còn lại là các kênh, mương với tổng chiều dài hơn 4.579 km, phục vụ tưới tiêu, cấp nước cho diện tích mặt đất là 18.652,74 ha lúa nước. 

Thủy Thanh