Người chiến sĩ thông tin liên lạc kể chuyện Điện Biên

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/4/2024 | 7:39:39 AM

YênBái - Trong những ngày tháng cả nước đang hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã được gặp gỡ, trò chuyện với ông Nguyễn Thiện ở tổ 7, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, một trong những người lính làm nhiệm vụ thông tin vô tuyến điện tham gia vào Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Thiện chuẩn bị bài phát biểu cho buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại thủ đô Hà Nội và tỉnh Điện Biên.
Ông Nguyễn Thiện chuẩn bị bài phát biểu cho buổi gặp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại thủ đô Hà Nội và tỉnh Điện Biên.

Bên ấm trà mới pha cùng hai anh con trai và vợ, với nụ cười dễ gần, ông Thiện cho biết: "Quê tôi ở làng Dòng, nay là xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Năm 1950, khi đó tôi 17 tuổi, Phòng Thông tin liên lạc Tây Bắc tuyển sinh vào học các lớp thông tin, tôi đã trúng tuyển lớp báo vụ. Sau khi tốt nghiệp, tôi được điều về Đội 101 - đội vô tuyến điện đầu tiên của Cục Thông tin liên lạc. Tại đây, tôi đã được tham gia Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Chiến dịch Quang Trung”. 

Cuối năm 1951, ông được điều về Đại đoàn 312 tham gia Chiến dịch Hòa Bình. Cuối năm 1952, ông tiếp tục tham gia chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Sầm Nưa thượng vào đầu năm 1953. Đến đầu năm 1954, ông Thiện là một trong 36 chiến sĩ Đội vô tuyến điện 101 tham gia làm công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và may mắn được đi cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch. 

Để đảm bảo an toàn, chuyến xe chở các đồng chí trong Bộ Chỉ huy và các chiến sĩ Đội vô tuyến điện phải di chuyển vào ban đêm. Băng đèo vượt suối, từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La liên tục di chuyển 5 đêm, đoàn mới đặt chân đến căn cứ cách mạng và bắt tay vào công việc chuẩn bị cho trận chiến.

Nhớ lại những ngày hào hùng năm xưa, ông Thiện kể: "Chiến dịch lần này rất đặc biệt, số lượng có 6 đài vô tuyến điện, mỗi đài có 1 đài trưởng, 1 báo vụ và 4 quay viên. Lúc này, chiến dịch sắp mở đợt 3, chắc chắn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ bị tiêu diệt, yêu cầu thông tin là phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Thông tin như mạch máu con người luôn thông suốt, không bao giờ được gián đoạn". 

"Đến chiều ngày 7/5/1954, được tin địch ở Mường Thanh đã ra hàng, toàn bộ bộ chỉ huy tập đoàn bị bắt sống, trong đó có tướng Đờ-cát, chúng tôi nhảy lên reo hò cùng nhau chạy đến hầm Cục 1 Cục Tác chiến và hầm của Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái để chúc mừng. Một vài người còn chạy lên đỉnh núi Mường Phăng - nơi đặt trạm quan trắc của pháo binh nhìn xuống cánh đồng Mường Thanh thấy những dù trắng nhiều vô kể trải trắng khắp thung lũng” - ông Thiện nhớ lại.

Theo ông Thiện kể, để đảm bảo thông tin bí mật quân sự và chuẩn bị chu đáo cho trận đánh, những người làm nhiệm vụ thông tin vô tuyến điện như ông phải tuyệt đối bảo vệ thiết bị và tuân thủ nguyên tắc bảo mật. Ngày 13/3/1954, tiếng súng mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ vang lên cũng là lúc vô tuyến điện mới bắt đầu hoạt động. Tại hầm thông tin, ông Thiện cùng các chiến sĩ nhận các thông tin điện "thượng khẩn” và "tối khẩn” từ chỉ huy trận đánh truyền đi các đội. 

Công việc này đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến từng ký hiệu mật mã. Đảm bảo thông tin liên lạc trong suốt trận đánh, những hiệu thính viên như ông Thiện phải tập trung cao độ, không rời vị trí trong suốt quá trình làm nhiệm vụ. Tại các phân khu Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt tranh chấp từng tấc đất, đạn pháo cày xới, những chiến sĩ bộ binh, pháo binh cảm tử, sẵn sàng hy sinh cho trận đánh đã thôi thúc những chiến sĩ thông tin liên lạc càng phải quyết tâm đảm bảo mọi thông tin từ Bộ Chỉ huy hướng dẫn các đơn vị trực tiếp chiến đấu tiêu diệt địch. 

Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng cũng là lúc những chiến sĩ thông tin liên lạc Đội vô tuyến điện 101, Cục Thông tin liên lạc hoàn thành nhiệm vụ. Sau 56 ngày đêm kiên cường, anh dũng, vượt qua những gian khổ, thiếu thốn, những giây phút sinh tử cận kề, quân ta đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông Thiện tiếp tục cùng với đơn vị tham gia làm nhiệm vụ thông tin vô tuyến điện tại các chiến trường miền Nam. 

Nâng niu chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên đã bạc màu theo thời gian ông Thiện tự hào: "Chỉ có chiến sĩ Điện Biên thực sự mới có chiếc huy hiệu này đấy!”. Chiếc Huy hiệu đã bạc màu, người chiến sĩ năm xưa nay cũng 90 tuổi nhưng những ký ức hào hùng vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm và trở thành niềm tự hào để ông truyền lửa cho thế hệ sau về tinh thần yêu nước.

Hồng Duyên