Văn Yên xây dựng mô hình huyện kinh tế số

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/4/2024 | 10:56:35 AM

YênBái - Trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 vừa ban hành, huyện Văn Yên phấn đấu đạt chuẩn huyện chuyển đổi số (CĐS), trong đó có trên 50% xã, thị trấn đạt CĐS; 30% xã, thị trấn đạt CĐS nâng cao; xây dựng mô hình huyện kinh tế số năm 2024.

Huyện Văn Yên phấn đấu xây dựng mô hình huyện kinh tế số năm 2024. (Ảnh minh họa)
Huyện Văn Yên phấn đấu xây dựng mô hình huyện kinh tế số năm 2024. (Ảnh minh họa)

Huyện Văn Yên đặt mục tiêu tiếp tục CĐS toàn dân, toàn diện; đẩy mạnh số hóa, cập nhật thông tin vào các cơ sở dữ liệu, nền tảng đã xây dựng; kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung; đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện CĐS của huyện năm 2024 đảm bảo bám sát tinh thần chỉ đạo của tỉnh; cụ thể hóa các phần việc năm 2024 đề ra trong Đề án CĐS của huyện; bổ sung các đầu việc cụ thể hóa các ý tưởng mới, sáng tạo, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.


Kế hoạch xác định xây dựng huyện Văn Yên đạt chuẩn huyện CĐS theo Quyết định 240/QĐ-UBND ngày 06/02/2024 của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá, công nhận sở, ban, ngành; huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn đạt CĐS/CĐS nâng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025”; trong đó: trên 50% xã, thị trấn đạt CĐS; 30% xã, thị trấn đạt CĐS nâng cao: thị trấn Mậu A, Đông Cuông, An Thịnh, Yên Hợp, Xuân Ái, Đại Phác, Tân Hợp; xây dựng mô hình huyện kinh tế số năm 2024.


>> Văn Yên phát huy hiệu quả các mô hình chuyển đổi số đặc trưng


Huyện cũng đề ra 36 chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ CĐS, trong đó có 7 chỉ tiêu về phát triển hạ tầng số, 12 chỉ tiêu về phát triển chính quyền số, 8 chỉ tiêu về phát triển kinh tế số, 9 chỉ tiêu về phát triển xã hội số.


Các giải pháp được huyện đưa ra cụ thể, rõ ràng trên từng trụ cột về phát triển hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Huyện cũng có kế hoạch cụ thể trong sử dụng hạ tầng điện toán đám mây vào các hệ thống thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trước mắt tại Bộ phận Phục vụ hành chính công thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin; khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dùng các nền tảng điện toán đám mây, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây của doanh nghiệp Việt Nam. 


Tiếp tục triển khai một số nền tảng đặc trưng "make in Yên Bái” tại huyện như: nền tảng Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức; nền tảng Tra cứu số liệu thống kế các ngành, lĩnh vực tỉnh Yên Bái; nền tảng Chấm điểm, đánh giá mức độ hoàn thành Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm…


Cùng với đó, tập trung phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao để phát triển kinh tế nông nghiệp; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2024 đạt 18%. Tổ chức triển khai mô hình thôn chuyển đổi số, làng số, xã chuyển đổi số gắn với mục tiêu chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. 


Triển khai thí điểm 5 mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản nhằm tạo ra các kênh lưu thông các sản phẩm của người dân ra các thị trường trong nước và thế giới. Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Giám đốc Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát cho biết: "Chúng tôi nhận thức rõ chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng để doanh nghiệp phát triển, tiến xa hơn trong thời gian tới, chính vì vậy thời gian qua, ngoài việc thông qua các kênh bán hàng truyền thống, kênh siêu thị, Công ty đã đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, quảng cáo trên Zalo, Facebook. Nhờ vậy các sản phẩm mang nhãn hiệu Quế Phát đã có mặt ở hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh và một  số siêu thị lớn ở Hà Nội, Lào Cai".


Theo ông Hà Trung Kiên - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, trước đây, người dân chưa biết đến việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội. Qua thực hiện kinh tế số, cùng sự hỗ trợ của Tổ công nghệ số cộng đồng đã giúp người dân trên địa bàn thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm. 


"Các sản phẩm khi được đưa lên sàn giao dịch điện tử, được thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Từ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, số lượng hàng hóa bán được nhiều hơn qua sàn thương mại điện tử, qua website và một số nền tảng mạng xã hội ước tính thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trước đây" - ông Kiên trao đổi.


>> Yên Bái triển khai thí điểm Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức


Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện, khai khoáng, năng lượng..., huyện phấn đấu sử dụng hiệu quả các nền tảng số do Bộ Công Thương triển khai, phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị ngành công nghiệp đạt 17%; tiếp tục triển khai ứng dụng Công dân số (Yên Bái-S) sâu rộng trong toàn dân, gắn với triển khai Bộ tiêu chí tạm thời Công dân số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025; phấn đấu năm 2024 đạt 90% công dân số; triển khai mô hình thôn CĐS, làng CĐS, xã CĐS, CĐS nâng cao gắn với thực hiện Chương trình CĐS trong xây dựng nông thôn mới.


Triển khai nền tảng dạy, học trực tuyến kết nối, phục vụ trực tuyến toàn trình công tác dạy - học tập - thi cử cho học sinh, giáo viên từ đó hình thành hệ sinh thái phát triển giáo dục số ở các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, đảm bảo tỷ trọng nội dung dạy học bằng hình thức trực tuyến đạt 10% ở cấp tiểu học, 15% ở cấp trung học; triển khai nền tảng lưu trữ hồ sơ số (sổ điểm, học bạ điện tử; hồ sơ sổ sách chuyên môn, các sổ sách khác...) ở các trường học.


Triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin, phấn đấu 40% hệ thống thông tin trở lên được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt; kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng trước khi nâng cấp, thay đổi, định kỳ theo quy định...


Thu Trang