Về nơi núi Nả - hang Dơi

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hang Dơi trên núi Nả là một trong những địa danh của xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Cùng với hang Dơi, đình Chung làng Vần, nhà ông Trần Đình Khánh và gò cọ Đồng Yếng xã Vân Hội đã trở thành những điểm đến thuộc cụm di tích Chiến khu Vần - Hiền Lương lưu danh sử sách.

Xã Việt Hồng có địa hình là một thung lũng, xung quanh có những dãy núi cao và hiểm trở bao bọc; nhưng lại rất tiện đường ra Yên Bái, xuôi Hiền Lương của tỉnh Phú Thọ hoặc có thể qua Mỵ vào Nghĩa Lộ.

Với một vị trí hết sức quan trọng về chiến lược quân sự nên nơi đây đã được chọn là căn cứ huấn luyện của đội du kích Âu Cơ và phát triển lực lượng vũ trang, là trung tâm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở các huyện phía tây của tỉnh. Nhiều thanh niên của Việt Hồng đã tham gia đội du kích trong thời gian này.

Tại chiến khu Vần, lực lượng vũ trang cách mạng non trẻ với ý chí quyết chiến quyết thắng đã giành thắng lợi nức lòng nhân dân địa phương ngay trong 2 trận đầu, mở ra trang sử hào hùng của lực lượng vũ trang Yên Bái.

Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái còn ghi: Cũng tại Chiến khu Vần, khi nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Uỷ ban quân sự cách mạng tỉnh, đã quyết định tập trung lực lượng tiến về khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Yên Bái, tháng 8 - 1945.

Hôm nay những địa danh rạng ngời lịch sử đã trở thành điểm đến của nhiều thế hệ người Yên Bái và khách thập phương. Mọi người trở lại Chiến khu với niềm tự hào, để tìm đến những dấu tích gian khổ của cuộc kháng chiến trường, để ôn lại và tiếp nối truyền thống yêu nước nồng nàn của người dân Yên Bái.

Ngược lên núi Nả chừng một ngàn năm trăm mét, chúng tôi tìm đến hang Dơi huyền bí. Nhờ rộng 20 đến 25 mét, sâu trên 300 mét, vòm hang cao khoảng 20 mét nên hang Dơi được chọn làm hậu cứ của chiến khu trong những ngày đầu cách mạng. Đây là nơi cất giữ quân lương và đón tiếp các cán bộ cách mạng thoát ra từ nhà tù Sơn La, Hoả Lò.

Còn đây, ngôi nhà của ông Trần Đình Khánh - Chánh tổng Lương Ca thời Pháp thuộc được cách mạng giác ngộ đã cùng nhân dân trong xã đóng góp nhiều của cải cho kháng chiến, xây dựng chiến khu. Ngôi nhà ông ở trở thành trụ sở đầu tiên của Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái, là sở chỉ huy của Đội du kích Âu Cơ.

Từ đây nhìn qua cánh đồng trải rộng là ngôi trường Trung học phổ thông của xã. Chính trên nền ngôi trường này cách đây 62 năm, ngôi đình Chung (còn gọi là đình làng Vần) đã tồn tại. Ngày 4 tháng 7 năm 1945, lực lượng du kích đã làm lễ tế cờ, rồi chia thành 3 mũi tiến quân giải phóng các địa phương.

Một lòng, một dạ theo Đảng, bằng sức mạnh đoàn kết và phát huy truyền thống qua các thời kỳ cách mạng nhân dân xã Việt Hồng đã lập nên những kỳ tích ngay trên mảnh đất quê hương. Đảng bộ với 91 đảng viên là những nhân tố xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, gương mẫu đi đầu trong các phong trào cách mạng, cùng với trên 570 hộ dân hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Con đường đi qua xã đã được Nhà nước đầu tư trải nhựa, mạng lưới giao thông của xã được hoàn chỉnh và từng bước kiên cố hoá, gần 2 km đường vào di tích lịch sử hang Dơi đang được nâng cấp. Đường dây vào bản xã nhất xã cũng vừa hoàn thành để 100% hộ dân trong xã được sử dụng điện lưới quốc gia.

Trường học được kiên cố hoá đảm bảo cho 100% trẻ trong độ tuổi đi học đều được đến lớp ở cả ba cấp học. Số học sinh đi học lên THPT tăng 40% so với năm 2000. Các điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, trên 90% số hộ được sử dụng nước sạch, trẻ được tiêm phòng đầy đủ; xã Việt Hồng đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế trong năm nay.

Hiện nay, bình quân thu nhập của người dân xã chiến khu đạt 5 triệu đồng/năm; đời sống văn hoá tinh thần đồng bào vùng chiến khu được nâng cao; tất cả các thôn bản được công nhận làng văn hoá và ra mắt xây dựng xã văn hoá chiến khu từ năm 2005.

Bằng sự nỗ lực của bà con trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào gieo cấy nên 120 ha lúa của xã cho năng suất gần 110 tạ/ha, tăng gần 40 tạ/ha so với năm 2000. Đàn trâu, bò, dê của xã có trên gần 900 con, đàn gia cầm được giữ vững. Đồng bào đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ diện tích rừng, phát triển cây chè, tích cực sản xuất vụ ba, đồng thời đưa một số giống cây như dâu tằm, măng tre bát độ và cây tranh leo vào trồng nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hoá.

Xã Việt Hồng phấn đấu đến năm 2010 đạt mức tăng trưởng kinh tế 11% trở lên, số hộ khá và giàu có đạt 60 - 70%. Xã chiến khu này không chỉ đơn thuần với nền kinh tế nông nghiệp. Tiềm năng, sự mời gọi đầu tư cho phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác sẽ đưa Việt Hồng ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, hoà chung nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong nay mai.

Quang Tuấn - Thanh Chi