Doanh nghiệp cần làm gì khi nước ta gia nhập WTO?

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngày 01/01/2007 Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Như vậy, nước ta đã có vị thế bình đẳng với các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu và thiết lập một trật tự kinh tế công bằng trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho đất nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những điều chỉnh, thích nghi với điều kiện thực tế nếu muốn tận dụng cơ hội một cách thành công nhất.

Đóng gói sản phẩm bột siêu mịn tại Nhà máy chế biến CaCO3 thuộc HTX Khai thác vận chuyển đá Mông Sơn (Yên Bình) trong Khu công nghiệp phía Nam.
Đóng gói sản phẩm bột siêu mịn tại Nhà máy chế biến CaCO3 thuộc HTX Khai thác vận chuyển đá Mông Sơn (Yên Bình) trong Khu công nghiệp phía Nam.

Tỉnh Yên Bái hiện có 812 doanh nghiệp và hợp tác xã, song chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (vốn kinh doanh của doanh nghiệp dưới 1 tỷ đồng chiếm trên 50%). Nhìn chung, các doanh nghiệp tỉnh Yên Bái phát triển khá nhanh về số lượng, ngành nghề kinh doanh.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển so với yêu cầu phát triển nền kinh tế chung của tỉnh vẫn chậm và chưa khẳng định sự bền vững, chủ yếu là khai thác tiềm năng sẵn có. Kim ngạch xuất khẩu còn rất khiêm tốn, chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, hoặc mới qua sơ chế...

Ngày 01/01/2007 Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Như vậy, nước ta đã có vị thế bình đẳng với các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu và thiết lập một trật tự kinh tế công bằng trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho đất nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những điều chỉnh, thích nghi với điều kiện thực tế nếu muốn tận dụng cơ hội một cách thành công nhất.

 

Khu công nghiệp phía Nam của tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Linh Chi)

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đã nhận định: “Chúng ta có cơ hội nhưng chúng ta chưa có sự chuẩn bị thật tốt để biến cơ hội thành lợi ích như mong muốn”. Trong hội nhập kinh tế quốc tế có các yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng cạnh tranh, đó là chất lượng, giá thành, thương hiệu sản phẩm... Như vậy, các doanh nghiệp trong tỉnh cần chú trọng phát huy các lợi thế so sánh, tiềm năng của địa phương để đạt được mục đích của mình, các doanh nghiệp cần nghiên cứu một số vấn đề sau:

-Doanh nghiệp cần phải đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị trên cơ sở hiện có; nếu năng lực tài chính có hạn thì trước mắt chỉ cần thay đổi thiết bị ở những khâu sản xuất có tính quyết định đối với chất lượng sản phẩm. Đây là phương án tiết kiệm được đầu tư và nhanh chóng đưa ra sản phẩm thích hợp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

-Phải đào tạo nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt chú trọng đến đào tạo cán bộ quản lý giỏi, nắm vững luật pháp quốc tế, đồng thời đào tạo được đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề.

-Cần đổi mới phương thức quản lý doanh nghiệp để áp dụng các công nghệ tiên tiến như: công nghệ thông tin, các công nghệ điều hành mới, đồng thời quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn của ISO nhằm giảm thiểu những lao động gián tiếp và tăng người lao động trực tiếp, qua đó cũng đạt được mục đích giảm giá thành sản phẩm và giải quyết được việc làm cho lao động tại địa phương.

-Lãnh đạo doanh nghiệp cần tăng cường nghiên cứu Maketting để có chiến lược sản xuất sản phẩm có khả năng cạnh tranh. Phải đổi mới tư duy, sản xuất những sản phẩm mà thị trường trong nước, khu vực và thế giới cần chứ không phải là sản xuất những sản phẩm mà doanh nghiệp có khả năng sản xuất.

-Khi nước ta đã gia nhập WTO, các doanh nghiệp cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật, trước hết là các quy định của WTO. Sản phẩm hàng hóa xuất khẩu đến nước nào cần nghiên cứu sâu về pháp luật của nước đó để tránh những sai lầm không đáng có, ở nước ta đã có nhiều doanh nghiệp bị thua thiệt do bị xử ép trong giao dịch.

-Các doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình. Ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng: “Để thâm nhập vào thị trường quốc tế, một yêu cầu bắt buộc là các doanh nghiệp của ta phải nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng... đối với hàng nông sản phải đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

 Nhược điểm của hàng Việt Nam là chất lượng không ổn định, mẫu mã bao bì tuy có nhiều tiến bộ song chưa thực sự bắt kịp với thị trường quốc tế”; nếu doanh nghiệp bán một loại hàng hóa nào đó không có thương hiệu thì giá bán sẽ rất thấp, ví dụ như: Cũng là hai chiếc áo sơ mi, nếu đưa ra phân biệt bằng mắt thường thì hai sản phẩm giống như nhau, nhưng một sản phẩm có danh hiệu giá bán sẽ gấp 10 lần so với sản phẩm cùng loại...

Ngay tại tỉnh Yên Bái cũng đã xảy ra hiện tượng đó, ví dụ như 1 kg chè đen chỉ bán được với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhưng chè Ô Long của Công ty Thực phẩm Phú Tài do có sự đầu tư cả vùng nguyên liệu và công nghệ sản xuất giá bán gấp 20 đến 30 lần. Có sản phẩm chè đã có danh tiếng ở trong và ngoài nước là niềm tự hào của chè Yên Bái, song đã tự đánh mất thương hiệu sản phẩm của mình.

Sản phẩm của Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn do chưa đăng ký kiểu dáng công nghiệp nên đã bị Công ty Sứ Minh Long đăng ký bản quyền trước và đã xảy ra tranh chấp về thương hiệu sản phẩm... Điều đó cho thấy rằng, các doanh nghiệp đã đầu tư và phát triển thì chính doanh nghiệp đó cần phải xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu của mình, nếu không các doanh nghiệp khác sẽ lợi dụng, hoặc tranh thủ đăng ký sản phẩm của mình ở nước khác (nước ta đã có nhiều trường hợp các doanh nghiệp bị lợi dụng bản quyền sáng chế như: Võng xếp Duy Lợi, thuốc lá Vinataba...).

-Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong hội nhập WTO các doanh nghiệp của tỉnh phải luôn sẵn sàng nghiên cứu thị trường thật tốt. Nguồn nhân lực của tỉnh ta còn nhiều, chi phí nhân công thấp, như vậy các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất cần tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao chất lượng sản phẩm; tham khảo ý kiến của các luật sư có kinh nghiệm hiểu biết rõ pháp luật của các nước để khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước khác không coi mình là bán phá giá (điều này đã xảy ra trên thực tế như cá tra, cá ba sa, tôm, hàng dệt may, giày, mũ da...).

Để thực hiện được điều này các doanh nghiệp phải có sự liên kết, thành lập các hiệp hội, các tập đoàn kinh tế để có đủ sức cạnh tranh, tự đổi mới, nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh trên nhiều góc độ để nâng cao uy tín đối với các sản phẩm của doanh nghiệp.

Vũ Khánh - Hà Hóa