Cây ăn quả góp phần nâng cao đời sống người làm vườn

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp phát triển rừng và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong những năm qua, việc phát triển cây ăn quả ở tỉnh Yên Bái vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giải quyết việc làm và góp phần nâng cao đời sống người làm vườn trong tỉnh.

Cây ăn quả đang đem lại nguồn thu ổn định cho người làm vườn ở Yên Bái.
Cây ăn quả đang đem lại nguồn thu ổn định cho người làm vườn ở Yên Bái.

Trong tập đoàn cây ăn quả đa dạng và phong phú ở tỉnh đều có thể phát triển được trên các loại đất đồi gò, ven sông bãi, sườn núi thung lũng... Do đất đai Yên Bái có hàm lượng mùn khá, vì vậy rất phù hợp với việc phát triển đa dạng các loại cây ăn quả nhiệt đới và á nhiệt đới.

Trong đó, vùng thấp phát triển tốt các loại cây ăn quả có múi, có cùi như cam quýt, bưởi, vải, nhãn, xoài, dứa... Vùng cao trên 600m (so với mặt nước biển) thích hợp cho các loại cây ăn quả nhiệt đới như: đào, lê, táo, mận và đặc biệt là cây sơn tra. Do điều kiện thiên nhiên ưu đãi nên cây ăn quả ở Yên Bái hơn 10 năm qua đã phát triển khá nhanh.

Năm 1993 diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh chỉ có 2400 ha với sản lượng 16500 tấn, giá trị tổng sản phẩm đạt 30 tỷ đồng. Đến hết năm 2006 toàn tỉnh có 8.700 ha với sản lượng trên 30 ngàn tấn, đạt giá trị sản phẩm trên 100 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm tổng giá trị thu được tăng gần 70 tỷ đồng. Đạt được kết quả trên ngoài sự quan tâm của tỉnh, các cấp, các ngành, sự thuận lợi của cơ chế thị trường và sự hưởng ứng của bà con nông dân, đồng thời còn có sự đóng góp đáng kể của công tác khuyến nông trên các phương tiện thông tin, tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình.

Tuy giá trị kinh tế còn khiêm tốn, song những năm gần đây sản lượng cây ăn quả đã góp phần đáng kể cải thiện đời sống nhân dân và từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hoa quả tươi ngày càng cao của xã hội. Không những thế còn xuất khẩu ra tỉnh bạn và nước ngoài. Cũng chính trong phong trào đó đã xuất hiện nhiều hộ gia đình có thu nhập trên hàng chục triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định và khá giả, xây được nhà cửa khang trang có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, xe máy, điện thoại..., nuôi dạy con cái ngoan, học giỏi và thành đạt.

Điển hình trong việc phát triển cây ăn quả mang lại thu nhập cao như: ông Ma Văn Nhừng, dân tộc Tày xã Minh Xuân (Lục Yên) có trên 100 gốc hồng không hạt mỗi năm thu trên 3 tấn quả thu nhập trên 15 triệu đồng; ông Phan Thế Cầu - cựu chiến binh xã Văn Tiến (Trấn Yên) với mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp xoài, vải, nhãn, chanh tứ thời. Ngoài ta, ông Cầu còn cung ứng giống cây mỗi năm thu được trên 60 triệu đồng. Ông Tạ Minh Tân, xã Đại Minh (Yên Bình) với 600 gốc bưởi đặc sản mỗi năm thu trên 50 triệu đồng. Đặc biệt trang trại hộ ông Hảo, xã Minh Bảo (TP Yên Bái) có diện tích 10 ha với 3000 gốc vải thiều, cùng 3 ha ao thả cá kết hợp chăn nuôi gà, vịt... nâng tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Trong đó tổng thu nhập từ cây ăn quả khoảng 80 triệu đồng và chính nơi đây là một cảnh quan du lịch sinh thái cho du khách khi đến với Yên Bái.

Hiện tại tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh phát triển cây ăn quả trong những năm tới theo tinh thần Nghị quyết lần thứ 16 Đảng bộ tỉnh và phấn đấu đến năm 2010 đạt 10.000 ha cây ăn quả, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ phục tráng và phát triển cây ăn quả đặc sản theo các vùng sinh thái (bưởi Đại Minh - Yên Bình, hồng không hạt Lục Yên, cam, quýt vùng ngoài Văn Chấn, vải nhãn phía bắc Văn Yên và vùng trong Văn Chấn).

Hy vọng rằng năm 2007 và những năm tiếp theo, sản xuất cây ăn quả ở tỉnh Yên Bái sẽ thu được kết quả cao hơn, góp phần nâng cao đời sống người làm vườn và đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế nông lâm nghiệp của của địa phương.

Nguyễn Sơn