Sản xuất vụ đông 2007 vẫn bộc lộ những bất cập

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vụ đông năm 2007, tỉnh Yên Bái phấn đấu đưa vào gieo trồng trên 10 ngàn ha cây các loại, trong đó 6.000 ha ngô, 1.500 ha khoai lang, 500 ha khoai tây, hơn 2.000 ha cây rau đậu các loại; phấn đấu sản lượng đạt trên 50 ngàn tấn, giá trị sản phẩm đạt trên 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân 1 ha đạt 10-12 triệu đồng.

Điều đáng chú ý trong vụ đông này là tập trung mở rộng diện tích, nâng cao năng suất để lấy sản lượng bù đắp những thiệt hại trong sản xuất đông xuân vừa qua.

Mục tiêu rất lớn, song ngành nông nghiệp cũng như các huyện, thị thành phố chưa đưa ra một giải pháp lớn nào về giống và vẫn lấy ngô là cây chủ lực. Như vậy, không biết mục tiêu ngành nông nghiệp và các huyện thị phấn đấu thu nhập trên mỗi ha canh tác vụ đông đạt 10-12 triệu đồng liệu có đạt được không ? Vụ đông 2006 năng suất ngô chỉ đạt 24,8 tạ/ha. Địa phương có năng suất cao nhất là thành phố Yên Bái cũng chỉ đạt 26,6 tạ/ha, Văn Yên 26 tạ/ha, trong khi giá ngô cao nhất chỉ từ 2.200-2.400 đồng/kg và 1 ha ngô cho thu nhập cao nhất không quá 6 triệu đồng. Nói như vậy không có nghĩa là trồng ngô không mang lại hiệu quả kinh tế, mà vấn đề ở chỗ là làm sao nâng cao năng suất.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất cây vụ đông năm 2007, các huyện thị được giao kế hoạch về diện tích, năng suất, sản lượng cây vụ đông đều phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao, song mục tiêu đạt 10-12 triệu đồng trên mỗi ha không thấy đề cập nhiều đến sự đột phá về giống. Huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ có đưa vào trồng cây dưa bao tử, ớt nhưng mới chỉ ở dạng thử nghiệm... Ngành nông nghiệp đưa ra kế hoạch 2 ngàn ha rau đậu các loại thì dù có hoàn thành đi chăng nữa thì hiệu quả và giá trị cũng khó có thể cao được! Vì diện tích trồng thì nhiều, song trồng rất phân tán, chỉ đủ tự cung tự cấp, chứ không thành hàng hoá được.

 

Làm sao để nâng cao năng suất ngô là vấn đề đang được nông dân quan tâm.

Bên cạnh sự thiếu đột phá về giống thì yếu tố thời vụ vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập. Vụ đông năm 2006 dù được chỉ đạo rất chặt chẽ nhưng vẫn có đến 30% diện tích ngô xuống giống muộn từ 15-20 ngày dẫn đến cây sinh trưởng kém. Đến thời điểm trung tuần tháng 9 hầu hết các địa phương mới chỉ bắt đầu gặt lúa mùa. Cụ thể, huyện Yên Bình đến ngày 19/9 mới chỉ gặt được 15ha, Lục Yên, Trấn Yên chỉ lác đác một vài xã bắt đầu gặt, ngoại trừ các xã trong cánh đồng Mường Lò (Văn Chấn) đã cơ bản gặt xong trà lúa mùa sớm và gặt đến đâu trồng cây vụ đông  tới đó.

Được biết thời vụ trồng cây ngô đông đạt hiệu quả cao nhất phải kết thúc trước ngày 5/10 nên vấn đề thời vụ phải được bố trí hết sức hợp lý trong cơ cấu mùa vụ. Riêng đối với cây rau màu, bà con chưa thật mặn mà vì họ đưa ra lý do có trồng thì bán cho ai, thị trường có đâu. Nhưng thực tế thì hoàn toàn khác, vì chúng ta thường chứng kiến việc vận chuyển rau xanh từ miền xuôi đổ vào thị trường Yên Bái. Thậm chí “rau ngoại” còn lên đến vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Chỉ tính riêng khu vực chợ đầu mối Km6 và chợ Ga Yên Bái, lượng rau nhập vào con số lên hàng chục tấn mỗi ngày, trong khi đó chỉ có một lượng rất nhỏ “rau nhà” được bày bán tại các chợ. Vậy tại sao chúng ta không phát triển rau màu? Cái chính là tư duy sản xuất tự cung tự cấp vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong mỗi người dân. Một vấn đề nữa là người dân làm nông nghiệp vẫn còn nghèo, thiếu kỹ thuật đầu tư thâm canh và làm rau màu làm hàng hoá lại đòi hỏi phải đầu tư cao, chăm sóc tốt mới thực sự hiệu quả.

Do vậy, cần phải quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh để tạo thành vùng hàng hoá lớn, sản xuất gắn với chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; tích cực chuyển giao KHKT và khả năng hạch toán kinh tế cho nông dân; làm tốt công tác quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu giống phù hợp cho từng khu vực hoặc nói một cách khác là phải khắc phục được tình trạng “bình cũ rượu cũ” trong cách làm vụ đông từ trước đến nay thì mới nâng cao được hiệu quả kinh tế trong sản xuất vụ 3.

Anh Dương