Tín hiệu vui từ Bảo Ái

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nằm dọc theo quốc lộ 70, xã Bảo Ái huyện Yên Bình (Yên Bái) có vị trí rất thuận lợi trong việc giao lưu, trao đổi hàng hoá trong và ngoài tỉnh.

Rừng là thế mạnh trong phát triển kinh tế của Bảo Ái.
Rừng là thế mạnh trong phát triển kinh tế của Bảo Ái.

Với diện tích tự nhiên 5.770 ha, số dân 7.899 nhân khẩu, Bảo Ái là một xã lớn của huyện Yên Bình. Nơi đây, rừng bạt ngàn phủ xanh đồi núi, những thửa ruộng nước tuy không rộng nhưng từ lâu đã được người dân thâm canh làm 2 đến 3 vụ trong năm. Nhiều ao nuôi cá được đầu tư xây dựng với số vốn lớn và có qui trình nuôi thả khép kín rất khoa học.

Đồng chí Đặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa mùa, đồng thời nắm bắt tình hình thực tế để triển khai kế hoạch trồng cây vụ 3 hồ hởi cho biết: “Trước đây xã là một trong những đơn vị rất khó khăn, kinh tế chậm phát triển, dân trí thấp kéo theo đói nghèo, lạc hậu. Kể từ khi thực hiện việc giao đất, giao rừng đến từng hộ và mở rộng phát triển các mô hình làm kinh tế, nhân dân đã tham gia tích cực, chủ động học hỏi các phương thức tiến bộ của khoa học trong việc chăm sóc cây lâm nghiệp. Từ đó, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 3,5 triệu đồng/người/năm”.

Như để minh chứng cho những lời nói của mình, anh Hải đã dẫn chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế từ đồi rừng ở một số thôn trong xã. Con đường nhỏ từ trung tâm xã vào thôn Ngòi Kè quanh co dưới màu xanh mát của những đồi keo, bồ đề đang khép tán. Anh Hải tự hào giới thiệu diện tích keo được trồng thay thế diện tích bồ đề vừa thu hoạch, sau 2 năm trồng cây keo đã cao khoảng 5 m, đường kính gốc từ 15-20 cm, Với đà phát triển này trong khoảng 5 năm tới mỗi hộ trồng keo sẽ có thu nhập khoảng trên dưới 80 triệu đồng/ha.

Hiện tại toàn xã có 1.156 ha rừng trồng, bình quân mỗi năm khai thác được trên 400m3 gỗ nguyên liệu, bán với giá thị trường hiện nay cũng mang về cho Bảo Ái ngót 2 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay cả xã trồng được 75 ha rừng đạt 150% kế hoạch, 70% số hộ trong toàn xã có rừng và phát triển kinh tế từ rừng, nhiều hộ đã giầu lên từ rừng như hộ Lê Văn Thắng, thôn Ngòi Bang trồng 8 ha; hộ anh Lê Thế Quynh, thôn Ngòi Ngần trồng 30 ha; Triệu Văn Lợi trồng 8 ha…

Anh Đặng Văn Nam, một hộ sản xuất ở thôn Ngòi Kè nhiệt tình dẫn chúng tôi lên thăm khu rừng keo khoảng gần 5 ha của gia đình, phấn khởi cho biết: Gia đình có tổng diện tích đất sản xuất gần 10 ha, trong đó có 1 ha chè; 4 ha mỡ, bồ đề, quế; gần 5 ha keo…Ngoại trừ cây chè đã cho thu hoạch, hàng năm nhờ các biện pháp sản xuất nông - lâm kết hợp trồng xen lúa, sắn và các loại sản phẩm phụ khác, gia đình anh thu nhập gần 40 triệu đồng/năm. Một điều nhận thấy rõ nhất ở Bảo Ái là nhận thức của bà con nhân dân về lợi ích kinh tế từ rừng rất rõ ràng.

Đến nay, việc đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Bảo Ái được sự đồng tình hỗ trợ của nhiều cấp, ngành chức năng. Trong thời gian qua, các hộ dân trồng rừng ở Bảo Ái đã được học lớp dạy nghề cho dân tộc thiểu số do Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề phối hợp cùng Trạm Khuyến nông của huyện tổ chức. Lớp học đã phổ biến cho bà con nông dân cách sản xuất và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp, trọng tâm là cây keo lai. Sau lớp học, nhiều hộ gia đình đã xây dựng vườn ươm, sản xuất giống, có cán bộ của đội giống Lâm trường đến hỗ trợ kiến thức và kinh nghiệm sản xuất. Điều này không chỉ giúp bà con nhân dân chủ động được nguồn cây giống phục vụ sản xuất mà còn giảm được chi phí đầu tư ban đầu.

Trong chuyến công tác vừa qua tại Bảo Ái, khi thăm quan các mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc- Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khi đến thăm xã đã phấn khởi khi ở đây có khá nhiều các xưởng chế biến gỗ rừng trồng mà nguyên liệu là những rừng keo lai xanh tốt ở địa phương. Đây là tín hiệu vui trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, không chỉ nâng cao giá trị sản xuất mà còn mở ra hướng phát triển bền vững, cải tạo môi trường sinh thái.

Quang Thiều