Yên Bái sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”, đến nay công tác Dân số và kế hoạch hóa gia đình ở Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cán bộ y tế huyện Trạm Tấu kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ thai sản. (Ảnh: T.L)
Cán bộ y tế huyện Trạm Tấu kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ thai sản. (Ảnh: T.L)

Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã có  bước chuyển biến tiến bộ. Công tác DS-KHHGĐ đã trở thành một nội dung quan trọng trong chương trình, nghị quyết, kế hoạch của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đều đồng tình với chủ trương của Đảng và chính sách của nhà nước về công tác DS-KHHGĐ.

Chính vì vậy, quy mô gia đình có một hoặc hai con đã được chấp nhận ngày càng rộng rãi; số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai ngày càng tăng, đã hạn chế được sự tăng nhanh dân số; mức giảm sinh đạt 0,4%o; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên còn 1,351% (năm 2005). Kết quả của công tác đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tăng mức bình quân thu nhập đầu người, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đạt được những kết quả đó, trước hết là có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp có trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, trong đó có sự tham mưu tích cực của hệ thống cơ quan DS-KHHGĐ; sự nhiệt tình tận tụy của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên từ tỉnh đến cơ sở; sự hưởng ứng và tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

 Năm 2007 tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 11,12% giảm 0,1% so với năm 2006). Điều đặc biệt cần quan tâm là tình trạng sinh con thứ ba vẫn còn tồn tại trong cán bộ, công chức, đảng viên. Trong năm 2007, toàn tỉnh có 39 cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, tăng 11 trường hợp so với năm 2006. Bên cạnh đó, chất lượng dân số, liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức, hiện tượng di dân tự phát vẫn còn diễn ra...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh còn những khó khăn, tồn tại cần phải khắc phục, đó là: tốc độ giảm sinh chậm dần, có chiều hướng chững lại; một số nơi có biểu hiện tăng sinh, đặc biệt, tình trạng sinh con thứ ba trở lên gia tăng. Sở dĩ có những tồn tại, khó khăn là do mấy nguyên nhân sau:

Một là: Do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tính chất phức tạp, khó khăn, lâu dài của công tác DS-KHHGĐ, dẫn đến thỏa mãn chủ quan, buông lỏng sự lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác phối hợp liên ngành cũng còn có việc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Một số cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số nhưng chưa được xử lý nghiêm, kịp thời để làm gương, đã ảnh hưởng xấu tới tư tưởng và việc chấp hành của nhân dân.

Hai là: Chưa có những quyết sách, biện pháp đủ mạnh, phù hợp đối với vùng cao, vùng có mức sinh cao thường tồn tại những thủ tục lạc hậu như: tảo hôn, đẻ sớm, đẻ dày, đẻ nhiều, trọng nam khinh nữ, muốn có nhiều con (huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao khác mỗi cặp vợ chồng vẫn sinh ít nhất là 3 con). Công tác truyền thông vận động chưa sâu rộng, hiệu quả còn hạn chế. Việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho công tác DS-KHHGĐ có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất của y tế cơ sở còn nhiều thiếu thốn. Quản lý nhà nước về y tế đối với các cơ sở y tế tư nhân chưa chặt chẽ.

Ba là: Hệ thống cơ quan chuyên trách DS-GĐ&TE chậm được củng cố và kiện toàn, có mặt còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ, ở cấp xã và thôn bản, đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS-KHHGĐ không ổn định, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng làm cho đội ngũ cán bộ này có lúc, có nơi chưa an tâm và nhiệt tình với công việc. Một số cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ những nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ trong Pháp lệnh Dân số dẫn đến vi phạm. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác quan như: cơ cấu dân số trẻ, tiềm năng sinh đẻ lớn...

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị, hiện nay Tỉnh ủy Yên Bái đang tiếp tục quán triệt trong các cấp ủy và các tổ chức xã hội thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đưa nội dung công tác DS-KHHGĐ vào chương trình hoạt động của cấp ủy, chính quyền hàng năm. Coi kết quả thực hiện công tác này là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và là tiêu chí thi đua, phân xếp loại đảng viên và các chi, Đảng bộ hàng năm.

Hai là: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ huy động toàn xã hội tích cực tham gia công tác DS-KHHGĐ. Nâng cao vai trò tách nhiệm của các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội đối với công tác DS-KHHGĐ. Khuyến khích các tổ chức kinh tế – xã hội tham gia các hoạt động DS-KHHGĐ, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho mỗi gia đình, mỗi gười dân tự giác tham gia công tác này.

Ba là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục và vận động xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ, làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc về lợi ích của công tác DS-KHHGĐ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, đưa nội dung tiêu chí về DS-KHHGĐ vào hương ước, quy ước của khu dân cư, thôn bản, cơ quan, đơn vị. Thường xuyên tuyên truyền trên báo, đài phát thanh truyền hình về các mô hình không sinh con thứ 3, khen thưởng, biểu dương kịp thời những địa phương, đơn vị, cá nhân, gia đình có nhiều thành tích xuất sắc về công tác DS-KHHGĐ.

Bốn là: Mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Thực hiện có hiệu quả chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ đến các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao trên địa bàn toàn tỉnh.

Năm là: Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý của hệ thống cơ quan chuyên trách DS-KHHGĐ, đặc biệt là cấp huyện và cơ sở.

Sáu là: Đầu tư nguồn lực và nâng cao chất lượng dân số. Hàng năm dành một tỷ lệ thích hợp ngân sách của tỉnh cho công tác DS-KHHGĐ, ưu tiên đầu tư cho vùng cao, vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao. Vận động cộng đồng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, cải thiện môi trường sống; quan tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người tàn tật; tiếp tục đẩy mạnh phong trào phòng chống các tệ nạn xã hội, HIV/AIDS; xây dựng các xã chuẩn quốc gia về y tế...

Nông Thụy Sĩ