Những đồi quế Bác Hồ ở Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cho đến nay vẫn chưa ai biết cây quế trên đất Văn Yên được trồng từ bao giờ! Người ta chỉ biết từ những năm 50-60 của thế kỷ trước trên vùng đất này đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao, dân tộc Tày ở xã Đại Sơn, Viễn Sơn đã có quế với cây to cả người ôm.

Tuy nhiên việc trồng quế lúc bấy giờ phát triển tự phát, nhà nào cũng có nhưng chỉ 5-10 cây, người ta không hề tính tới hiệu quả kinh tế. Thế rồi nghe theo Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, người Dao nơi đây định canh, định cư, tích cực lao động sản xuất, huy động sức người sức của làm hậu phương cho miền Nam ruột thịt.

Năm đầu tiên đất nước hoàn toàn giải phóng, người Dao Viễn Sơn chung sức trồng nên đồi quế để tưởng nhớ công ơn của Bác, lấy tên là “Đồi quế Bác Hồ”. Quế trồng xuống như bén đất, bén người dân nơi đây cứ thế lên xanh tốt. Từ “Đồi quế Bác Hồ” người dân trong xã Viễn Sơn, Đại Sơn định cư nhận thêm đất trồng quế.

Diện tích quế cứ lớn dần theo năm tháng và cũng đồng nghĩa với việc tăng thu nhập cho bà con nông dân. Hiệu quả của cây quế mang lại đã rõ, thế rồi nhà nhà trồng quế, người người trồng quế. Quế không chỉ có ở vùng đồng bào dân tộc Dao nữa, trồng quế trở thành một phong trào lớn ở hầu hết các xã trong huyện. Hiện nay toàn huyện có trên 14 ngàn ha quế, sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 1.000-1.200 tấn quế vỏ thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Khai thác quế ở Đại Sơn.

Có nhiều hộ trồng quế đã thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm, góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông thôn của huyện Văn Yên. Xã có nhiều quế nhất là Xuân Tầm 1708 ha, Phong Dụ Hạ 1006 ha, Đại Sơn 1264 ha... Nhờ giống tốt, quế chất lượng cao, mỗi khi đến vụ thu hoạnh các tư thương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đổ về Văn Yên thu mua quế vỏ rất đông. Cứ vào vụ thu hoạch các vùng quê lại nhộn nhịp từng đoàn xe chất đầy quế chở về xuôi, số ít được chế biến tại địa phương xuất khẩu. 

Cây quế đã làm thay đổi diện mạo các vùng quê, nhà xây, xe máy cũng từ tiền bán quế. Như hộ Hoàng Văn Minh, xã Đại Sơn trồng 15 ha, cây to cũng 15 năm tuổi, mỗi năm bóc tỉa thu 60 triệu đồng, vừa qua có tư thương trả giá 2 tỷ đồng nhưng ông không bán. Hay gia đình ông Đặng Văn Hiện có 10 ha, giá trị cũng tới 1,5 tỷ đồng, vụ quế năm ngoái gia đình bóc tỉa thu 60 triệu đồng, cùng với nguồn thu từ năm trước gia đình xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi.

Nếu như trước đây trồng quế chủ yếu chỉ để bóc vỏ bán, thì nay thân quế để làm nhà, làm nguyên liệu giấy, làm tăm, xẻ ván ghép sàn xuất khẩu, cành, ngọn, lá quế được đưa vào nấu tinh dầu quế cho giá trị cao. 

Từ “Đồi quế Bác Hồ”, hôm nay Văn Yên đã trở thành thủ phủ của quế. Quế Văn Yên không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều nước Tây Âu mang lại nguồn ngoại tệ lớn. Cây quế đã và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Văn Yên.

Thanh Phúc