Năm Sửu đến đất trâu Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thêm một năm con trâu đã về khắp nơi trên đất Lục Yên. Không chỉ là vài chục trâu sừng doãng, sừng ngúp trong nhà người Tày, người Dao, trâu sẽ chen chúc nhau trong bãi, trong chuồng, trâu làm giàu cho người chăn nuôi, làm giàu nguồn giống trâu quý. Và để rồi kinh tế năm Kỷ Sửu của huyện Lục Yên - năm 2009 này sẽ mạnh mẽ đi lên.

Con trâu vốn là đầu cơ nghiệp của nhà nông, nhưng với mỗi hộ dân ở các xã vùng cao huyện Lục Yên, con trâu được coi như một thành viên trong gia đình. Nhà nào cũng nuôi trâu, ít cũng có một con để kéo cày, nhiều nuôi đàn có tới cả chục con. Số trâu nhiều - ít được coi như một thước đo mức độ giàu có của mỗi nhà.

Đàn trâu ở Lục Yên nhờ vậy cứ thế được nhân lên. Quý vậy nên đồng bào cũng chăm chút con trâu cầu kỳ lắm. Chuồng nuôi trâu được làm bằng gỗ tốt như gỗ nhà ở. Con trâu đến tuổi sấn xẽo cũng phải chọn ngày tốt và tìm được tay tre như ý. Vạy trâu cũng làm bằng cái rễ cây thì mới thật dẻo mềm vai trâu nhưng rất bền chắc. 

Trâu ở đây biết lắm, có con dạy người cày. Cày không biết lựa, trâu đứng lại, cày bừa đúng lối, trâu khỏe ngày làm vài mẫu ruộng. Trong câu chuyện trên nhà sàn, các cụ già thường khoe như thế. Cụ già nói vậy thật chẳng sai! Với Lục Yên thì núi thật nhiều. Núi đá, đồi đất rộng, nhiều địa phương tiếp giáp với hồ Thác Bà nên khi nước cạn, cỏ mọc lên đủ thức ăn cho hàng đàn trâu. Cũng chính từ địa bàn đồi núi nên con trâu ở Lục Yên trải qua sự đào thải tự nhiên bởi khí hậu, thổ nhưỡng, được sàng lọc nhiều lần nên giống trâu ở đây trở nên quý giá. Trâu của xã Tân Phượng được tiếng chịu giá rét, trâu xã Mường Lai béo khỏe, trâu Minh Tiến, Tân Lĩnh đông đàn và giỏi cày kéo.

Đến đâu ở Lục Yên nói chuyện về con trâu ai ai cũng có thể tham góp. Người khoe con trâu trắng cánh sừng rộng, đầu to; người kể con trâu đen khoáy rõ. Chuyện con trâu bơi vượt hồ Thác Bà ở An Phú, Phan Thanh. Rồi ở Mường Lai có người đã bán được con trâu tới 15 triệu đồng. Ngay như chuyện tại sao trâu Lục Yên không đeo mõ cũng được lý giải đơn giản bởi việc thả trâu vào rừng theo đàn mà không sợ lạc; chỉ nhà nào ít trâu mới mang mõ, đeo chuông. Rồi đến việc huyện Lục Yên đã tổ chức hội thi trâu tốt cách đây vài năm, nhằm bình tuyển và hỗ trợ cho các hộ có trâu đực tốt nâng cao chất lượng đàn trâu.

Tiếng trâu tốt Lục Yên bay xa, bốn phương tám hướng tìm đến đây mua trâu. Người mua trâu cũng sành lắm. Chọn con trâu cho làm việc gì cũng là cả một kinh nghiệm không phải ai biết. Trâu được chọn tìm về xuôi cày kéo, đưa lên ngược nhân giống quý. Có cả những người từ đất chọi trâu Đồ Sơn - Hải Phòng lên đất núi này tìm được con trâu chọi cho cả dòng họ.

Kinh tế phát triển, chăn nuôi trâu bò trở thành một hướng làm giàu của người dân địa phương. Giờ đây, trâu không đơn thuần để làm sức kéo, mà đã trở thành thứ ăn của để trong nhà. Bán con trâu mới có được chiếc xe máy, có khoản tiền đủ để người dân mua đất ở xây dựng nhà cửa, hoặc bán lấy tiền nuôi con cái ăn học, dựng vợ gả chồng…

Đã qua hơn một năm cái rét đậm rét làm đàn trâu của bà con thiệt hại đáng kể. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, sự cố gắng của người dân trong chăn nuôi, đàn trâu đã dần được phục hồi. Cả huyện Lục Yên có đàn trâu gần 26 ngàn con. Mỗi gia đình đồng bào Dao ở xã Tân Phượng bình quân có 3 con trâu, người Tày xã Minh Tiến có 2 con/hộ. Các xã Khai Trung, Minh Chuẩn, Tân Lĩnh đều có đàn trâu đáng kể. Đồng bào phấn khởi nuôi trâu, chính quyền có hướng phục tráng nhằm phát triển đàn trâu theo hướng sản xuất hàng hóa.

Thêm một năm con trâu đã về khắp nơi trên đất Lục Yên. Không chỉ là vài chục trâu sừng doãng, sừng ngúp trong nhà người Tày, người Dao, trâu sẽ chen chúc nhau trong bãi, trong chuồng, trâu làm giàu cho người chăn nuôi, làm giàu nguồn giống trâu quý. Và để rồi kinh tế năm Kỷ Sửu của huyện Lục Yên - năm 2009 này sẽ mạnh mẽ đi lên.

Quang Tuấn