Hỗ trợ doanh nghiệp theo Quyết định 328/QĐ-UB: Những vướng mắc cần được điều chỉnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Quyết định 328/QĐ-UB ngày 17/3/2009 của UBND tỉnh Yên Bái về hỗ trợ một số sản phẩm hàng hoá là một nỗ lực của địa phương nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế chịu tác động tiêu cực do suy thoái kinh tế. Tới nay, 715 triệu đồng đã được hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp, số doanh nghiệp và kinh phí được hỗ trợ như vậy là chưa nhiều, còn những vướng mắc cần được điều chỉnh cho phù hợp...

Công nhân Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. (Ảnh: Trường Phong)
Công nhân Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. (Ảnh: Trường Phong)

Để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế suy thoái, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tổng hợp danh sách và địa chỉ các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ; Sở Tài chính đã xây dựng văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ xin hỗ trợ lãi suất.

Qua 3 tháng thực hiện, cơ quan chức năng đã tiếp nhận 11 hồ sơ của 10 doanh nghiệp xin trợ giá vận chuyển mua nguyên liệu sắn và hỗ trợ  với tổng số tiền 759 triệu đồng. Qua thẩm định hồ sơ, Sở Tài chính đã làm thủ tục hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp với số tiền 715 triệu đồng, bao gồm : Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm, Công ty TNHH Công Dũng, Công ty cổ phần Haphaco Yên Sơn; các công ty chè: Nghĩa Lộ, Trần Phú, Liên Sơn (Tổng công ty Chè Việt Nam), Doanh nghiệp tư nhân Nam Thịnh, Công ty Chế biến chè Hữu Hảo, Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Nhờ nguồn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và UBND tỉnh, các doanh nghiệp đã bổ sung được vốn lưu động để đầu tư cho vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua, chế biến và ổn định thị trường. Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm là đơn vị được hưởng hỗ trợ lớn nhất với số tiền trên 969 triệu đồng.

Trong 6 tháng qua, giá trị tổng sản lượng của doanh nghiệp đạt trên 60 tỷ đồng; nộp ngân sách 700 triệu đồng; thu nhập bình quân cán bộ công nhân viên 1,6 triệu đồng/tháng. Những khó khăn về nguyên liệu, thị trường từng bước được tháo gỡ, sản xuất đi vào ổn định từ đầu quý II/2009, sản phẩm tồn kho tiêu thụ hết. Hết tháng 6/2009 Công ty đã sản xuất tiêu thụ 4.800 tấn giấy đế; 1.300 tấn giấy vàng mã; 8.100 tấn tinh bột sắn, không có sản phẩm tồn kho.

Quyết định 328/QĐ-UB của UBND tỉnh Yên Bái  được các doanh nghiệp hoan nghênh, đón nhận. Qua 3 tháng thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc cần có sự điều chỉnh kịp thời để để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống. Quyết định ban hành từ giữa tháng 3/2009 nhưng hướng dẫn thực hiện còn chậm; việc phổ biến hướng dẫn thực hiện Quyết định còn chưa kịp thời; có tình trạng nhiều ngành liên quan, đơn vị, doanh nghiệp ở thời điểm tháng 5/2009 chưa có và chưa nắm được nội dung hướng dẫn, do vậy hạn chế kết quả thực hiện và tính kịp thời của một chính sách đúng.

Theo Quyết định, ngoài hỗ trợ 4% lãi suất theo các quyết định của Chính phủ, sản phẩm sắn tinh bột sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng thương mại, hỗ trợ cước vận chuyển 50 đồng/kg sắn củ cho nông dân trong vùng nguyên liệu thông qua trợ giá mua để các cơ sở chế biến mua hết sắn củ cho nông dân; sản phẩm đũa gỗ, giấy đế, ván ép, đá bột siêu mịn, fenspat bột, sứ cách điện... được hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng và thêm 2% lãi suất ngoài hỗ trợ của Chính phủ. Các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp cũng nằm trong diện được hỗ trợ để xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu...

Như vậy, số doanh nghiệp và ngành nghề sản xuất thuộc đối tượng ưu đãi theo Quyết định 328/QĐ-UB là rất lớn. Yên Bái, hiện có trên 750 doanh nghiệp, trên 300 hợp tác xã nhưng số đơn vị đáp ứng được các quy định và tiêu chí theo Quyết định và có đủ hồ sơ pháp lý để xét hưởng ưu đãi không nhiều.

Nguyên nhân do thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ vận chuyển mua sắn củ tươi với mức 50 đồng/kg đã được các doanh nghiệp triển khai thực hiện từ 10/1/2009 nhưng Quyết định 238/QĐ-UB lại quy định thời điểm thực hiện lại lùi lại 20 ngày sau, tức là từ 1/2/2009. Mặt khác, chính sách áp dụng với sản phẩm xuất khẩu quy định doanh nghiệp xuất khẩu lô sản phẩm hàng hoá có giá trị 1 triệu USD thì được hỗ trợ 100 triệu đồng. Thực tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang từng bước phục hồi sau lạm phát, thị trường tiêu thụ do giảm phát vẫn đang nan giải với doanh nghiệp.

Bên cạnh những đơn vị xuất bán được hàng hoá thì nhiều đơn vị hàng tồn luỹ kế không tiêu thụ được, sản xuất, do vậy sản xuất cầm chừng, đời sống người lao động rất khó khăn. Trong tình hình như vậy, tiêu chí xuất khẩu lô hàng trị giá 1 triệu USD, theo các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu thì không thể đạt được, như vậy không thể hưởng chính sách ưu đãi của tỉnh.

Quyết định 328/QĐ-UB của UBND tỉnh Yên Bái là một nỗ lực của địa phương nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh trong điều kiện kinh tế chịu tác động tiêu cực do suy thoái kinh tế thế giới. Để chính sách phát huy hiệu quả, cần thiết có sự điều chỉnh cho phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30 của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế.

T.A