Văn Yên thành công mô hình phân viên dúi sâu trên mạ ném

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/2/2011 | 2:52:55 PM

YBĐT - Chương trình thành công đã góp phân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm chuyển biến nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân trong sản xuất lúa nước.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Sau hơn hai năm thực hiện Dự án "Giúp các hộ dân khó khăn về kinh tế của tỉnh Yên Bái tăng thu nhập thông qua áp dụng phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa với mô hình bền vững về truyền thông đại chúng và hệ thống cung cấp phân viên qua các doanh nghiệp nhỏ (FDP)" (giai đoạn 2008-2010) do Trung tâm Giới thiệu việc làm Phụ nữ phối hợp với Phòng Trồng trọt Sở nông nghiệp Nông thôn và tổ chức Quốc tế IDE tổ chức tại các huyện, thị trong tỉnh cho thấy việc áp dụng phân viên nén dúi sâu vào sản xuất thâm canh lúa mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất.

Tuy nhiên, tại Văn Yên, người nông dân hầu như đã quen với phương pháp mạ ném. Thói quen này gây không ít khó khăn trong việc áp dụng FDP theo phương pháp cấy. Vì vậy, mô hình phân viên dúi sâu trên mạ ném đã được Ban quản lý dự án thí điểm thực hiện tại huyện.

Vụ mùa 2010, mô hình được triển khai ở 5 xã với diện tích 1ha cho 12 hộ thực hiện. Quá trình thực hiện mô hình có bố trí đối chứng trên cùng một thửa ruộng, cùng chế độ chăm sóc như nhau chỉ khác nhau về phương pháp cấy.

Khi triển khai mô hình, cán bộ khuyến nông đã khảo sát tìm điểm, chọn hộ, bố trí chân ruộng thuận tiện và chủ hộ tâm huyết để tham gia thực hiện mô hình. Bằng hình thức cầm tay chỉ việc, mọi khâu kỹ thuật người dân đều được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn cụ thể, thực hành thực tế trên đồng ruộng. Cán bộ khuyến nông huyện cũng thường xuyên thăm đồng theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển và sâu bệnh trên cây lúa để hướng dẫn nông dân chăm sóc kịp thời.

Qua theo dõi cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, năng suất ở mô hình đều cao hơn so với ruộng đối chứng từ 10-12%. Qua thực hiện mô hình cũng nhận thấy rằng do áp dụng trên mạ ném nên bộ rễ của mạ không bị tổn thương, lúa hồi xanh nhanh và đẻ nhánh tập trung ở giai đoạn đầu, đây là tiền đề cho nhiều bông hữu hiệu trội hơn hẳn làm tăng năng suất. Giai đoạn trỗ bông bên ruộng dúi ném trỗ trước từ 2-3 ngày so với ruộng cấy dúi, rút ngắn thời gian sinh trưởng.

Thực tế thực hiện mô hình cũng cho thấy các bước kỹ thuật đơn giản, dễ làm, không phức tạp hơn ruộng cấy. Hơn thế nữa người dân chỉ trong vòng một buổi là vừa dúi vừa ném mạ mà không làm ảnh hưởng đến hàng lúa. Trong khi đó, ở ruộng ném thì hai ngày sau người dân lại phải ra đồng một lần nữa để dúi phân, tâm lý người dân sẽ ngại hơn.

 Phương pháp áp dụng trên mạ ném cũng tiết kiệm được công lao động (1 công lao động ném được 2-3 sào, trong khi cấy 1 công chỉ cấy được 1-1,3 sào). Ngoài ra, áp dụng mạ ném cũng hạn chế được cấy dày gây thiếu phân. Từ nhiều lợi ích thực tế, phương pháp phân viên cho mạ ném đã được người dân chấp nhận.

Từ hiệu quả của mô hình, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Hội Phụ nữ huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền tới các xã thông qua các cuộc sinh hoạt chi hội phụ nữ, họp thôn, các câu lạc bộ khuyến nông tự nguyện... để mở rộng phương pháp này ra đại trà. Phụ nữ nghèo là những đối tượng được dự án chú trọng, quan tâm hơn cả.

Để tạo thuận lợi cũng như thúc đẩy, mở rộng, tạo sự bền vững cho dự án, Trạm Khuyến nông huyện cùng với Hội Phụ nữ huyện đã tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ngành, tranh thủ các nguồn vốn tiểu hợp phần nông nghiệp để đưa phân viên vào hỗ trợ cho người dân đặc biệt là các đối tượng người nghèo và cận nghèo để họ có điều kiện, cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Có thể khẳng định, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật FDP nói chung và áp dụng trên mạ ném nói riêng đã được Hội Phụ nữ và Trạm Khuyến nông Văn Yên phối hợp chặt chẽ đưa vào sản xuất và thực sự mang lại hiệu quả, được bà con nông dân chấp nhận và nhân ra diện rộng.

Chương trình thành công đã góp phân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm chuyển biến nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân trong sản xuất lúa nước, nhất là đã giúp cho người dân tiếp cận thị trường sản xuất theo hướng hàng hoá, biết chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, thay đổi dần cách sản xuất, tăng thu nhập, giảm chi phí, cải thiện đời sống nhất là phụ nữ nghèo.

Thu Hạnh