Trấn Yên: Gắn đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/2/2011 | 9:32:21 AM

YBĐT - Trấn Yên hiện có gần 50 nghìn người trong độ tuổi lao động, lực lượng lao động trong huyện chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, trong đó lao động nông thôn chiếm trên 90%.

Đào tạo nghề cho nông dân là tiền đề quan trọng để Trấn Yên xây dựng mô hình nông thôn mới.
Đào tạo nghề cho nông dân là tiền đề quan trọng để Trấn Yên xây dựng mô hình nông thôn mới.

 Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Trấn Yên xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện, các trường dạy nghề để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp người nông dân có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ngay sau khi có Quyết định 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Trấn Yên đã kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện là trưởng ban, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể trong huyện làm thành viên. Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1956 và phê duyệt Đề án: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của huyện.

Đồng thời tổ chức các hội nghị quán triệt sâu rộng nội dung Quyết định 1956 và chỉ đạo của UBND tỉnh tới cán bộ chủ chốt cấp huyện và cấp xã về quan điểm, mục tiêu, đối tượng, các hoạt động của Đề án, xác định rõ nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể để phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt các hoạt động, các nhóm giải pháp thực hiện có hiệu quả Đề án này tại huyện.

Thông qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện. Đổi mới phát triển đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, đào tạo nghề theo nhu cầu người học, nhu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Ông Hán Văn Khang – Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Năm 2010, huyện Trấn Yên đã mở 16 lớp dạy nghề, thu hút 480 học viên tham gia. Các học viên được đào tạo các nghề trồng trọt chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y, may mặc, đồ mộc, sửa chữa điện dân dụng và nghề xây dựng. Thông qua các lớp đào tạo nghề và các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước, huyện đã tạo được việc làm mới cho trên 2.100 lao động trong năm 2010”.

Sau một năm triển khai thực hiện Quyết định 1956, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Trấn Yên đã nhận thức được vai trò của đào tạo nghề đối với sự phát triển của địa phương, khẳng định tầm quan trọng của dạy nghề đối với người nông dân. Về phía người nông dân cũng phấn khởi khi tham gia các lớp học nghề và đã biết áp dụng các kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình tại các xã Việt Thành, Quy Mông, Hòa Cuông, Y Can, thị trấn Cổ Phúc đã xây dựng được các mô hình điển hình về chăn nuôi lợn gà và các giống thuỷ sản nước ngọt.

Bà Lê Thị Lụa – Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết: “Việc mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã đều có sự thống nhất cao trong cấp ủy, chính quyền xã và sự vào cuộc tích cực của các hội đoàn thể, nhất là Hội Nông dân Việt Thành. Từ việc lựa chọn địa điểm, đối tượng tham gia, ngành nghề đào tạo đến quản lý lớp học và tham gia đánh giá chất lượng học viên sau quá trình đào tạo. Thông qua các lớp dạy nghề, đã giúp người lao động trong xã có thêm kiến thức để áp dụng vào sản xuất. Bà Lụa cũng đề nghị nên tăng mức hỗ trợ kinh phí cho người học nghề, bố trí việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn để thu hút người lao động tham gia học nghề.

Mục tiêu của huyện Trấn Yên đặt ra đến năm 2020 là phấn đấu đào tạo nghề cho 11.200 lao động. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã giao cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với trung tâm dạy nghề của huyện xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng giai đoạn cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động của địa phương, gắn công tác đào tạo nghề với công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và là tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình nông thôn mới ở Trấn Yên.

Hà Anh