XKLĐ góp phần nâng cao chất lượng lao động

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/3/2011 | 8:05:49 AM

Sau khi trở về nước, trình độ ngoại ngữ, tay nghề, tác phong làm việc và nhận thức xã hội của lao động tốt hơn so với trước.

Sáng 16/3, tại Hà Nội, Viện Khoa học Lao động xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Khảo sát của Viện Khoa học - Lao động - Xã hội tại 4 tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Giang cho thấy, thu nhập của người lao động khi đi xuất khẩu thường cao hơn 5 đến 6 lần so với trước khi đi. Sau khi trở về nước, trình độ ngoại ngữ, tay nghề, tác phong làm việc và nhận thức xã hội của lao động tốt hơn so với trước.

Thứ trưởng thường trực Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: “30 năm qua, hơn 400.000 lao động làm việc trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 ngành nghề khác nhau. Hàng năm gửi về nước khoảng 1,8 tỷ USD góp phần tạo tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận lao động đi xuất khẩu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, đa số chưa qua đào tạo, trình độ ngôn ngữ còn hạn chế. Lao động chủ yếu làm các công việc giản đơn trong công nghiệp, xây dựng, thuyền viên, giúp việc gia đình… Người lao động chưa được tiếp cận với các kênh thông tin chính thức về tuyển dụng.

Bên cạnh đó, đa số người lao động phải vay mượn để chi trả các khoản liên quan khi chuẩn bị đi xuất khẩu lao động nhưng thủ tục vay vốn còn phức tạp, mức cho vay thấp…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc xuất khẩu lao động, bà Hoàng Kim Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng: “cần có những giải pháp tổng thể và lâu dài để nâng cao chất lượng lao động.

Ví dụ như vấn đề đào tạo ngoại ngữ, hiện nay về cơ bản, trình độ ngoại ngữ của người lao động còn rất hạn chế. Nhưng chúng ta không thể kỳ vọng trong một hai tháng mà người lao động có thể giỏi về ngoại ngữ. Nhưng để làm tốt công tác này, vấn đề giáo dục trong nhà trường cũng phải có những giải pháp tích cực hơn”.

(Theo VOV)