Người "giữ lửa" cho mỗi gia đình

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/4/2011 | 3:35:12 PM

YBĐT - Hơn ai hết, người vợ với tất cả sự yêu thương và nhạy cảm, khéo léo, chân tình của mình chính là điểm tựa vững chãi cho sự thành đạt của chồng

Ảnh mang tính minh họa.
Ảnh mang tính minh họa.

Mỗi chiều, hết giờ công sở, anh Nguyễn Việt Hưng (Văn Chấn) lại hào hứng trở về nhà, háo hức chờ đợi bữa cơm chiều của gia đình. Đó là lúc vợ chồng, con cái anh được quây quần bên nhau, cùng thưởng thức tài nghệ nội trợ của “bà xã”. 

Không phải cao lương mĩ vị gì, bữa cơm đơn giản với những món ăn bình thường, dân dã nhưng chưa bao giờ anh biết chán. Mùa đông, mâm cơm ấm cúng với bát canh nóng hôi hổi, mùa hè thấy mát ruột với bát riêu cua hay rau muống luộc ăn với mấy quả cà muối giòn tan...

Mỗi lần vợ anh dọn mâm, không những đã dậy lên mùi vị thơm ngon mà nhìn vào đã thấy đẹp mắt. Chị khéo léo bài trí, điểm tô lên bát canh, đĩa xào bông hoa ớt hay vài cậng rau thơm xanh non...

Miếng cơm thêm ngon miệng bởi không khí trò chuyện vui vẻ, thân tình của các thành viên trong gia đình. Những bữa cơm gia đình ấy cho anh những giây phút vui vẻ, hạnh phúc bên những người thân yêu, vì thế nó tạo ra sức hút đặc biệt khiến anh luôn muốn mau mải trở về mái ấm sau một ngày làm việc mệt nhọc, căng thẳng.

Cũng chính vì thế, mỗi khi phải đi công tác xa nhà, dù rằng có những bữa ăn ở nhà hàng với những món ăn sang trọng, đắt tiền song anh vẫn thèm thế bát cơm từ tay vợ. Những giây phút trải nghiệm này thực sự cho anh thêm lòng biết ơn người phụ nữ của gia đình, vì anh hiểu rằng đằng sau mỗi mâm cơm tươm tất là cả sự lo toan chu đáo mà chị dành cho bố con anh.

Xây dựng, gìn giữ hạnh phúc gia đình từ những việc bình dị nhất của cuộc sống thường ngày từ cái ăn, cái mặc trước nay vẫn một tay người phụ nữ đảm nhận. Không chỉ có cơm lành, canh ngọt đưa bước chân của những người đàn ông muốn về với gia đình.

Một doanh nhân khá thành đạt ở thành phố Yên Bái chia sẻ niềm hạnh phúc: “Sau những căng thẳng ngoài thương trường, mỗi khi về đến thềm nhà, tôi đã như trút bỏ được bao lo toan ngoài xã hội vì biết rằng đằng sau cánh cửa là một không khí thật thoải mái dễ chịu đang đón chờ”.

Không khí ấy được tạo nên bởi sự nhẹ nhàng, ân cần của người vợ và cả sự tinh tế, nhạy cảm để có thể cảm thông, chia sẻ với chồng những lo toan phiền muộn trong công việc, cuộc sống. .

Bao giờ cũng vậy, người phụ nữ luôn chăm lo cho chồng cho con bằng tất cả tình yêu thương của người vợ, người mẹ mà không ai có thể thay thế được.

Ngoài việc chăm chút cho con từ từng ly từng tý từ tấm bé, với con, người mẹ cũng chính là người thầy đầu tiên dạy dỗ những điều hay lẽ phải bằng những cách riêng của mình và bằng cả những linh cảm tinh tế của người mẹ. Ở độ tuổi mới lớn, với nhiều trạng thái cảm xúc, tâm lý cần có người sẻ chia nhưng không phải lúc nào cũng dễ nói ra.

Song, cuốn sổ gia đình rất nhiều lần giúp Phạm Thu Trang - cô học trò của Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái) có thể bộc bạch, tâm sự một cách thoải mái với mẹ của mình.

Em lặng lẽ ghi vào đấy những băn khoăn, vướng mắc hay cảm xúc buồn vui nào đó trong ngày gặp phải. Hôm sau, Trang sẽ nhận lại được từ mẹ những sẻ chia hay có khi là sự an ủi, động viên, những lời dạy bảo nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Cuốn sổ gia đình chính là sáng kiến của mẹ, có thêm nó, cả nhà càng thêm hiểu nhau và gần gũi, thương yêu nhau nhiều hơn nữa.

Còn với Trần Bảo Thy, giờ đây đã là một công chức, giữ vị trí khá quan trọng trong một cơ quan, nhưng Thy cũng vẫn giữ thói quen từ tấm bé là hỏi ý kiến của mẹ cho một quyết định nào đó của bản thân, ý kiến của mẹ thực sự giúp cô sáng suốt hơn trong cuộc sống cũng như trong công việc...

Những lời dạy bảo của người mẹ từ thuở bé thơ đã đặt những viên gạch đầu tiên hình thành nên nhân cách của con cái.

Có người đã nói rằng: “Thế giới là ngôi nhà của đàn ông. Ngôi nhà là thế giới của phụ nữ”. Vì thế, bao giờ cũng vậy, người phụ nữ luôn làm mọi việc để giữ lửa cho ngôi nhà - thế giới của mình.

Tâm Thanh