Biện pháp chăm sóc lúa đông xuân phát triển chậm do gặp rét

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/4/2011 | 3:44:22 PM

YBĐT - Nếu không có biện pháp chăm sóc kịp thời, lúa sẽ đẻ nhánh chậm, ít dảnh, trỗ bông muộn, chín muộn, giảm năng suất, ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ đông năm 2011.

Vụ đông xuân năm nay, diễn biến thời tiết bất thường không có lợi cho sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Rét đậm, rét hại kéo dài, trời âm u, số giờ nắng ít nên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng quang hợp, chuyển đổi chất dinh dưỡng của cây lúa, lượng phân bón trong ruộng từ đầu vụ cây lúa chưa hấp thụ được nhiều cộng với công tác làm cỏ sục bùn không được thường xuyên dẫn đến đất ruộng bị yếm khí, bị chua làm cây lúa bị nghẹt rễ, bó rễ nên cây lúa sinh trưởng phát triển kém.

Nếu không có biện pháp chăm sóc kịp thời, lúa sẽ đẻ nhánh chậm, ít dảnh, trỗ bông muộn, chín muộn, giảm năng suất, ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ đông năm 2011.

Để cây lúa sinh trưởng phát triển bình thường, trong giai đoạn hiện nay, người nông dân cần thực hiện ngay một số biện pháp kỹ thuật sau:
 
- Làm cỏ sục bùn tạo điều kiện thông thoáng trong đất kết hợp thay nước 1 - 2 lần.

Sục bùn giúp phá vỡ tầng ôxy hoá trên mặt ruộng (hay còn gọi là phá váng), làm tăng lượng ôxy trong đất, giúp bộ rễ lúa phát triển thuận lợi.
- Bón lân dễ tiêu giúp rễ lúa phát triển khoẻ. Bà con nên sử dụng phân Supe lân Lâm Thao để bón với lượng 5 – 10kg/sào.

- Tiến hành điều tiết nước hợp lý. Đối với giai đoạn này luôn giữ mực nước trong ruộng ở mức 1 – 2cm. Không để ruộng bị khô hạn hoặc giữ mực nước sâu sẽ ảnh hưởng đến quá trình đẻ nhánh của cây lúa.

- Đối với những ruộng đất bị chua, yếm khí, bộ rễ cây lúa bị thâm đen bà con nên khẩn trương bón vôi bột cộng với phân chuồng hoai mục, sau đó tiến hành làm cỏ sục bùn tạo độ thoáng khí cho rễ lúa phát triển. Lượng vôi 5 – 8kg/sào, phân chuồng hoai 20 – 25kg/ sào.

- Ngoài ra bà con nên phun bổ sung thêm chế phẩm kích thích ra rễ. Bà con có thể dùng chế phẩm siêu ra rễ SOGAN để phun, pha 01 gói/ bình 12 – 16 lít nước, phun cho 1 sào vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Không được bón đạm và phun thuốc trừ sâu, bệnh cho các ruộng lúa đang bị nghẹt rễ, khi lá lúa xanh trở lại, ra lá mới, rễ trắng thì mới được chăm sóc bình thường theo quy trình.

* Khi thời tiết nắng ấm thì bà con mới nên bón phân cho lúa theo quy trình. Bà con có thể sử dụng phân NPK Đầu Trâu 13:13:13 TE để bón với lượng 5 - 6kg/ sào.

- Ngoài ra bà con nên phun bổ sung thêm chế phẩm phân bón lá như: Phân bón lá Đầu Trâu 502, pha 01 gói/ bình 8 – 10 lít nước, phun cho 1 sào hoặc Phân bón lá Magnisal, pha 01 gói/ bình 16 – 20 lít nước, phun cho 1 sào.

- Khi ruộng lúa đẻ đủ số dảnh cơ bản 7 – 8 dảnh/ khóm (khoảng 300 – 350 dảnh/m2) thì tiến hành tháo nước phơi ruộng rạn chân chim. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi lúa có đòng tháo nước trở lại và giữ mực nước ổn định trong ruộng ở mức 5 – 7cm cho đến khi lúa chín đỏ đuôi tháo cạn nước để thuận lợi cho việc thu hoạch.

- Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng bón cân đối lượng đạm và kali, tăng cường bón  phân kali để tăng số hạt chắc trên bông giúp tăng năng suất.

* Đối với những diện tích lúa sinh trưởng bình thường: Thường xuyên thăm đồng để điều tiết nước hợp lý, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại lúa, khẩn trương bón phân thúc đợt 2 (thúc đón đòng) đầy đủ theo quy trình khi thời tiết nắng ấm.

Lượng phân bón: Đạm urê: 2 – 2,5kg; Kali: 3 – 4kg.

Giai đoạn lúa làm đòng nếu ruộng lúa sinh trưởng kém bà con nên phun thêm phân bón lá Đầu Trâu 702, pha 01 gói/ bình 8 – 10 lít nước, phun cho 1sào.

Phun định kỳ 7 – 10 ngày/ 1 lần trước khi cây trỗ bông giúp cho đòng to khoẻ, lúa trỗ bông đều, trỗ thoát nhanh, tăng tỷ lệ hạt chắc trên bông giúp tăng năng suất lúa.

* Trừ rong rêu:
- Những ruộng lúa có nhiều rong rêu thì nên trừ bằng cách tháo cạn nước 5 - 6 ngày kết hợp bón vôi bột (5 - 10 kg/sào), hoặc phun đồng sunphát (CuSO4) 5 - 10% vào ngày nắng từ 1 - 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 - 3 ngày.

       Trần Ngọc Sơn (Trung tâm Khuyến nông Yên Bái)