Đèo Lũng Lô và danh họa liệt sĩ Tô Ngọc Vân

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/7/2011 | 9:16:57 AM

YBĐT - Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” có nhiều nhà quân sự đã từng nói: Không có con đường 13A thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ, không có tuyến Lũng Lô - Đèo Chẹn thì chiến thắng Điện Biên Phủ khó thành công … kẻ thù mới sụp đổ hoàn toàn.

Tác phẩm “Đèo Lũng Lô” của họa sĩ Tô Ngọc Vân.
Tác phẩm “Đèo Lũng Lô” của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Đèo Lũng Lô đã đi vào chính sử, vào câu ca, vào huyền thoại của một con đường thắng lợi. Tháng 4/2001, Đèo Lũng Lô đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia, thuộc loại di tích lịch sử, nằm trong hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Để có niềm vinh quang, tự hào ấy, cán bộ, chiến sĩ, dân công ta đã phải đổ bao mồ hôi, xương máu. Nhiều người đã hy sinh khi làm đường, bảo vệ và đi qua đoạn đường này, trong đó có danh hoạ Tô Ngọc Vân.

Danh họa liệt sĩ Tô Ngọc Vân sinh năm 1906, là người con của đất Hà Thành. Ông sớm bộc lộ năng khiếu hội họa và đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với tấm bằng thủ khoa. Đây cũng chính là sự mở đầu tốt đẹp cho cuộc đời hoạ sĩ Tô Ngọc Vân.

Những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tranh của ông chủ yếu vẽ về thiếu nữ Hà Nội. Đáng chú ý có các tranh “Xuân tươi” (lụa - 1940), “Thiếu nữ bên tràng kỷ” (sơn dầu - 1941), “Thiếu nữ trước tranh tam đa” (sơn dầu - 1941), “Hai thiếu nữ và em bé” (sơn dầu - 1944), “Thiếu nữ bên hoa huệ” (sơn dầu - 1943) …

Cách mạng Tháng Tám thành công, trong niềm vui chung của cả dân tộc vừa được giải phóng, Tô Ngọc Vân đã có hai tác phẩm được đánh giá cao là hai bức tranh cổ động lớn “Phá xiềng” và “Việt Nam giải phóng”. Cũng từ đây, ý thức công dân của người hoạ sĩ, nhiệt tình cách mạng và sự say mê sáng tạo đã được hoàn toàn “giải phóng”. Sự khích lệ và đón nhận của hàng triệu công chúng đã chắp cánh cho người họa sĩ cách mạng dấn thân vào con đường nghệ thuật phục vụ kháng chiến.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã vinh dự được vào Bắc Bộ Phủ để vẽ chân dung Bác Hồ. Tác phẩm “Hồ Chủ Tịch làm việc tại Bắc Bộ Phủ” đã được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Đó là bức tranh chân dung sơn dầu đẹp nhất của Tô Ngọc Vân sáng tác về lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ông được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cử làm Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.

Tuyển sinh vào học được mấy tháng thì toàn quốc kháng chiến, năm 1946, ông lên Việt Bắc, công tác tại đội tuyên truyền xung phong. Năm 1948, ông làm đoàn trưởng đoàn Văn hoá kháng chiến, rồi làm biên tập viên đầu tiên và là người sáng lập ra Báo Văn nghệ, là tác giả của một số bài viết như: “Bây giờ mới có hội họa Việt Nam”; “Tranh tuyên truyền với hội họa”, “Học hay không học”, …

Năm 1949, đi vẽ về Trung đoàn Thủ đô, ông có các tác phẩm: “Hà Nội vùng đứng lên”; “Người lính trở về”, “Khi giặc đã qua”; “Nữ cứu thương”, “Bộ đội dừng chân trên đồi”, … và hàng loạt tranh ký họakhác về bộ đội và du kích. Năm 1950, ông lại được cử làm Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trung ương (sau chuyển thành Trường mỹ thuật Việt Nam)…

Đầu tháng 4/1954, ông lên đường đi Điện Biên Phủ vẽ cảnh tiền tuyến, phong cảnh Tây Bắc. Nhiều bức tranh phản ánh hơi thở của cuộc sống kháng chiến được ra đời như: “Qua đèo”, “Cho ngựa ăn”, “Qua suối”, “Trú quân”, “Giáo viên dân tộc Thái” … Ngày 17/6/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 40 ngày, Tô Ngọc Vân cùng hai họa sĩ  Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Ngọc trở lại chiến trường Điện Biên Phủ chép những tài liệu thực tế để chuẩn bị sáng tác những tác phẩm lớn về chiến thắng lịch sử này.

 

Nghe kể chuyện truyền thống. (Ảnh: Đức Hồng)

Khi đến đèo Lũng Lô ông bị bom Pháp sát hại, chỉ một tháng trước khi hiệp định Giơnevơ được ký kết. Đúng vào thời gian này, nhà văn Nguyễn Đình Thi đưa đoàn làm phim Liên Xô lên Điện Biên Phủ thì nhận được tin này cùng một chiếc ba lô và một ống bương to, trong đựng rất nhiều ký họa về chiến trường của Tô Ngọc Vân ngay tại chân đèo Lũng Lô, do một anh công an dẫn đường trao lại. Đó là những kỷ vật cuối cùng của danh họa Tô Ngọc Vân.

Tháng 11/1954, ngay sau khi thủ đô được tiếp quản, tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc, toàn bộ tranh của Tô Ngọc Vân vẽ trong thời gian kháng chiến đã được tặng giải thưởng lớn, để tưởng nhớ ông, khoá học 1955 – 1957 của Trường Mỹ thuật Việt Nam đã mang tên Tô Ngọc Vân. Năm 1956, thi hài ông được chuyển từ nơi hy sinh về an táng tại nghĩa trang Thanh Xuân (Hà Nội). Năm 1969, được Nhà nước công nhận là liệt sĩ và chuyển hài cốt về an táng tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).

Tác phẩm của Tô Ngọc Vân đã được triển lãm nhiều lần trong nước và trên thế giới, được hoan nghênh và đánh giá rất cao. Do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, nhiều tác phẩm đẹp và có giá trị đã bị thất lạc, thời gian phá huỷ. Số còn lại, cơ bản là ký họa và một số ít tác phẩm tranh sơn dầu, sơn mài đang còn lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tô Ngọc Vân đã được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1). Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều có đường phố mang tên Tô Ngọc Vân.

Cả cuộc đời Tô Ngọc Vân đã dành cho hội họa, tác phẩm để lại của ông trở thành tài sản vô giá của nền mỹ thuật Việt Nam và mãi mãi được trân trọng, giữ gìn.  

Lý Kim Khoa