Thị trấn Nông trường Trần Phú: Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/8/2011 | 3:01:55 PM

YBĐT - Được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, những năm qua, thị trấn Nông trường Trần Phú (huyện Văn Chấn) đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Nông dân thị trấn Nông trường Trần Phú thu hái chè.
Nông dân thị trấn Nông trường Trần Phú thu hái chè.

 Sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: cam, chè, ba ba đã và đang tạo được chỗ đứng trên thị trường. Chè được xác định là cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng của thị trấn Nông trường Trần Phú. Với diện tích 566 ha, sản lượng chè búp tươi mỗi năm đạt gần 5.000 tấn, thị trấn Nông trường Trần Phú là một vùng chè quan trọng của huyện Văn Chấn. Đến nay, gần 100 ha các giống chè mới có năng suất cao như LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên...đã được trồng cải tạo, thay thế giống chè cũ già cỗi.

Ngoài ra, thị trấn Nông trường Trần Phú còn là vùng chuyên canh cam của huyện Văn Chấn và của tỉnh Yên Bái. Hiện nay, toàn thị trấn có 123 ha cam với sản lượng đạt 1.800 tấn quả mỗi năm. Đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, trồng cải tạo bằng các giống mới, hình hành vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá đã tạo ra chuyển biến tích cực trong cơ cấu cây trồng. Thời gian gần đây, nhiều diện tích cam bị sâu bệnh đã được đưa vào trồng thay thế bằng những giống cam mới như Đường canh, Valencia,V2… cho năng suất và giá trị cao.

Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, phong trào nuôi ba ba đã phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, thị trấn có khoảng 350 hộ nuôi ba ba và mỗi năm mang lại cho nhân dân trên 5 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã khiến cho vùng đất này trở nên giàu có và trù phú. Những ngôi nhà mới xây theo kiến trúc hiện đại, những con đường mới mở trải rộng giữa những rừng cam, đồi chè đã mang lại cho thị trấn một diện mạo mới.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của thị trấn Nông trường Trần Phú vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Chè búp tươi giá rẻ, người trồng chè chưa có lãi đã trở thành chuyện thường nhật với bất kể địa phương trồng chè nào, diện tích cam nhiều năm qua không tăng do phải đối diện với tình trạng sâu bệnh, thoái hóa, phải chặt bỏ.

Sản phẩm cam của thị trấn Nông trường Trần Phú cũng như Văn Chấn chưa có thương hiệu hay chỉ dẫn địa lý, do đó vẫn chủ yếu được canh tác theo hình thức “mạnh ai nấy trồng và mạnh ai nấy bán”. Ba ba đang đem lại giá trị kinh tế cao do đó ngày càng có nhiều hộ nuôi nhưng mới chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Giải quyết vấn đề này, cần có các giải pháp đồng bộ để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững.

Các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao cần được xây dựng thương hiệu hoặc có chỉ dẫn địa lý, cần có các hợp tác xã để tạo ra liên kết giữa những người nông dân tránh bị ép giá. Vùng chè cần được đầu tư sản xuất theo hướng chè sạch, chè an toàn, chất lượng cao, nâng cao chất lượng chè mang lại giá trị kinh tế cao cho loại cây trồng truyền thống này. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá của thị trấn Nông trường Trần Phú là hướng đi đúng đắn, nhằm tạo ra vùng nguyên liệu có chất lượng cao, sản xuất những măt hàng nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

 Hồng Khanh