Cấu trúc nhà ở của người Mông: Sự hài hòa tối đa với điều kiện tự nhiên

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2011 | 3:33:03 PM

YBĐT - Khi hầu hết các tộc người ở miền núi đều ở nhà sàn thì từ xa xưa, người Mông vẫn duy trì kiểu kiến trúc truyền thống là nhà đất.

Nhà ở của người Mông quây quần bên nhau.
Nhà ở của người Mông quây quần bên nhau.

Nhà đất của họ về hình thức bên ngoài cơ bản giống như nhà của người Kinh nhưng kết cấu bên trong đơn giản hơn nhiều. Cho dù là nhà có kinh tế khá giả thì họ vẫn làm nhà có khẩu độ cột thấp, quá giang thông thủy, kèo tuột, lịa ván và các gian thông nhau.

Sở dĩ nhà của người Mông làm thấp hơn là để hạn chế tác động của gió bão. Đồng thời, cũng do địa thế nơi cư trú chủ yếu trên các sườn núi cao không thể làm nền nhà rộng để có sân đằng trước, đường chính lại thường đi dọc từ chân núi lên đỉnh rồi đi rẽ sang hai bên nên nhà của người Mông phổ biến có cửa ra vào từ hai chái nhà. Không gian một bên chái nhà là khu sân phơi, sân chơi cho trẻ nhỏ, phụ nữ ngồi khâu vá và gia đình tụ tập làng bản họ hàng khi có tiệc tùng đình đám, còn đầu kia là khu chuồng trại, nước sinh hoạt.

Nhiều bà con người Mông còn lí giải rằng cửa mở ở phía trước nhà chỉ để lấy ánh sáng vào bên trong là chính vì ở trên núi, sương mù thường bốc từ thung lũng lên cao nên mở cửa trước mà nhà không được lợp bằng gỗ pơ mu thì mùa ẩm ướt sương mù sẽ dày đặc trong nhà. Cửa mở ở hai đầu nhà cũng là cách tốt nhất để chống lại gió bão to khi hai cửa lớn được mở thông nhau gió sẽ dễ lùa qua.

Trong lòng nhà của người Mông thường có hai bếp lửa. Một bếp ở cửa đi vào là để nấu ăn và bếp lò ở cửa bên kia thường để nấu thức ăn cho gia súc, nấu rượu, bung ngô, nấu thuốc nhuộm vải, nấu bánh… Hai bên ở khu vực bếp dành cho nấu ăn thường kê giường ngủ của cả gia đình để lấy hơi ấm của than củi. Bếp lò có cửa bếp quay dọc lòng nhà vừa lấy ánh sáng vừa sưởi ấm không gian trong nhà nhưng cũng là để cho khói được thông ra ngoài.

Bên cạnh những tác dụng nêu trên, việc đặt bếp ở hai đều nhà cũng là một biện pháp nữa nhằm ngăn cho sương không lọt vào nhà. Một  điểm đáng chú ý nữa là vì ở trên núi cao hay bị lệ thuộc vào các nguồn nước, không đào được giếng, do đó người Mông thường ở quây quần với nhau để dùng chung nguồn nước và cũng từ nhu cầu phòng ngừa thú dữ, giặc giã, cướp bóc.

Với kiểu cấu trúc nhà ở, nơi ở mang tính đặc thù như vậy, cộng đồng người Mông đến nay vẫn bảo tồn được nét văn hoá riêng của mình nên địa bàn cư trú của họ vẫn là những địa chỉ thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu khoa học đa ngành cũng như khách thăm quan du lịch trong và ngoài nước.

 Hoàng Nhâm