Giữ những giá trị văn hóa truyền thống kiến trúc nhà sàn

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/11/2011 | 9:01:59 AM

YBĐT - Nhà sàn được coi là biểu tượng văn hóa của nhiều tộc người ở Việt Nam. Bởi đó là một hình ảnh mang tính chủ đạo nổi bật trong không gian cư trú của mỗi tộc người. Đồng thời, nhà sàn được coi như một không gian cốt yếu chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Ngôi nhà sàn của một gia đình người Thái ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) kết hợp hài hoà yếu tố truyền thống và hiện đại.
Ngôi nhà sàn của một gia đình người Thái ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) kết hợp hài hoà yếu tố truyền thống và hiện đại.

Ngược dòng lịch sử, khi quan hệ của con người ở vùng cao còn bó hẹp trong phạm vi làng, bản thì mọi sinh hoạt gia đình, giao tiếp cộng đồng cùng những mối liên hệ của con người với thế giới tự nhiên chủ yếu diễn ra trong ngôi nhà sàn.

Chủ nhân ngôi nhà rất tài tình trong việc bố trí, sắp xếp, cất trữ lương thực, nông cụ, bếp lửa, chăn nuôi… cũng như khéo léo bố trí vị trí ngủ, nghỉ một cách phù hợp cho từng thành viên trong gia đình. Không gian nhà sàn còn chứa đựng những thiết chế mang yếu tố tâm linh như: đặt ban thờ gia tiên, đặt ban thờ ma nhà, ma rừng, đặt bồ vía - nơi trú ngụ hồn vía của mọi người trong nhà. Thậm chí, nhà sàn của một số tộc người có đặt các vật thể tô tem giáo hay biểu tượng chứa đựng khát vọng của con người…

Hàng ngày, sau giờ lao động, nhà sàn là nơi tụ tập của cả cộng đồng làng xóm để cùng dệt vải, đan lát, trò chuyện, múa hát… Không gian nhà sàn thoáng đãng nên mỗi lứa tuổi đều tìm được cho mình những vị trí ngồi phù hợp. Sinh hoạt mang tính cộng đồng như vậy đã trở thành môi trường tốt để các thế hệ cùng thụ hưởng và truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của mỗi tộc người.

Khi nguồn gỗ dần cạn kiệt, nhà sàn ngày càng ít đi thì nhiều giá trị văn hóa cũng mai một bởi chủ nhân buộc phải sắp xếp lại mọi đồ dùng sinh hoạt, thiết chế thờ tự, tín ngưỡng cho phù hợp với kiến trúc mới. Không gian của nhà đất, nhà xây cùng những buồng phòng chia nhỏ không phù hợp với những sinh hoạt cộng đồng như trước.

Đặc biệt, kiểu kiến trúc nhà đất gây bất tiện cho nông dân mỗi mùa thu hoạch do không gian nhà thu hẹp từ “hai tầng” còn “một tầng” và nhiều nhà không đủ kinh phí xây dựng các công trình phụ trợ. Tuy nhiên, hiện nay, sau những “thử nghiệm” nhà đất, nhà xây, nhiều người đã quay về với kiến trúc nhà sàn truyền thống. Bây giờ, đến với Việt Hồng (Trấn Yên) hay một dải đông hồ Thác Bà của huyện Yên Bình, Lục Yên… lại thấy những ngôi nhà sàn bằng xi măng cốt thép thay cho nhà đất.

Cụ Nguyễn Khắc Xương - một cựu du kích chiến khu Vần ở làng Dọc, xã Việt Hồng (Trấn Yên) cho biết, ở xóm cụ, một số gia đình trước đây đã bán những ngôi nhà sàn đẹp, rộng để làm nhà xây thì giờ đã quay lại với nhà sàn. Điều đáng mừng là kiến trúc nhà sàn bằng xi măng cốt thép vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của nhà sàn truyền thống. Kinh phí xây dựng một khung nhà sàn xi măng kết hợp với gỗ lịa, ván sàn, lợp lá hoặc ngói, tấm lợp có quy mô năm gian chỉ bằng hai phần ba kinh phí xây dựng nhà xây cấp bốn có cùng quy mô mà diện tích sử dụng lại rộng hơn rất nhiều.

Một điều đáng lưu ý là việc xây dựng nhà sàn bằng vật liệu mới còn mang tính tự phát. Do vậy, các địa phương, các ngành chức năng cần nghiên cứu kĩ để có định hướng khôi phục, phát triển trở lại kiểu kiến trúc này nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho nhân dân. Đồng thời, ý nghĩa to lớn của kiểu kiến trúc nhà sàn truyền thống là sẽ góp phần quan trọng đối với việc bảo tồn những giá trị văn hóa của mỗi tộc người.

Hoàng Nhâm