Yên Bái: Trên 11.500 lao động nông thôn được học nghề

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/1/2012 | 2:15:15 PM

YBĐT - Ngày 11/1, các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh thực hiện Quyết định 1956/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính Phủ đã tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Đề án: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, triển khai kế hoạch thực hiện năm 2012.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án chủ trì hội nghị.

Qua 2 năm triển khai, Đề án đã tạo ra được những chuyển biến khá mạnh mẽ của các cấp, các ngành và người lao động nông thôn (LĐNT). Đã có gần 800.000 LĐNT được học nghề, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề đạt trên 70%. Ở nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia công tác đào tạo nghề.

Năm 2012, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án phấn đấu Hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 600.000 LĐNT theo chính sách của Quyết định 1956, ít nhất 70% sau đào tạo có việc làm. Tiếp tục tăng cường năng lực cho các cơ sở dạy nghề và nhân rộng các mô hình thí điểm dạy nghề tại các địa phương.

Đối với tỉnh Yên Bái, sau 2 năm thực hiện  Đề án : “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” đã dạy nghề cho 11.520 LĐNT, trên 50% lao động sau đào tạo có việc làm. Năm 2012, tỉnh Yên Bái phấn đấu đào tạo nghề cho 7.900 LĐNT. Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về đào tạo nghề, nâng cao năng lực mạng lưới cơ sở dạy nghề, chỉnh lý chương trình, giáo trình phù hợp và tăng cường đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm dạy nghề phù hợp, thu hút người lao động tham gia học nghề.

  

   Các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Yên Bái

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương và các địa phương cần tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhân rộng các mô hình điển hình trong đào tạo nghề ra các địa phương, đảm bảo sau học nghề người LĐNT có được việc làm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Đề án, đặc biệt là giới thiệu về các điển hình tiên tiến, các mô hình dạy nghề hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền.

PV