Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/5/2012 | 4:03:48 PM

YBĐT - Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đảm bảo người lao động sau khi học nghề có được kỹ năng nghề tốt, Trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ còn đặc biệt quan tâm đến giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.

Lớp May thời trang khóa 2011 – 2014 của trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ có 27 em học sinh đang theo học với 90% là người dân tộc thiểu số như: dân tộc Thái, Dao, Mường, Dáy, Mông...

Tham gia lớp học này, các em học sinh nắm được kiến thức, thực hành thành thạo nghề may để có thể tự hành nghề, đáp ứng việc làm cho bản thân từ đó vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Sau khóa học may này, các em có thể tự thiết kế các trang phục như: áo sơ mi, quần âu, áo jăcket, áo veston nữ...

Với đối tượng là các em học sinh người dân tộc thiểu số nên trong quá trình giảng dạy, các thầy cô đã vận dụng phương pháp giảng dạy một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các em học sinh.  Sau khi tốt nghiệp khóa học May thời trang này, nhà trường sẽ giới thiệu việc làm cho các em có nhu cầu về Công ty May Đức Giang (Hà Nội), tạo điều kiện để các em có việc làm, ổn định cuộc sống.

  

      Sau khóa học may, các em có thể tự thiết kế các trang phục như: áo sơ mi, quần âu, áo jăcket, áo veston nữ...

Trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ với nhiệm vụ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và trung cấp cho người lao động ở 4 huyện, thị xã phía tây của tỉnh Yên Bái. Trong năm 2011, nhà trường đã mở được 7 lớp trung cấp nghề, 9 lớp sơ cấp nghề, 15 lớp dạy nghề thường xuyên...

Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đảm bảo người lao động sau khi học nghề có được kỹ năng nghề tốt, nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.

Theo thầy Lâm Tuấn Khanh – Phó Hiệu trưởng trường TC Nghề Nghĩa Lộ, năm 2012, nhà trường quyết tâm hoàn thiện Đề án chuyển đổi trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ thành trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Tây Bắc, trong đó có 3 nghề trọng điểm cấp quốc gia là: nghề Chăn nuôi gia súc, gia cầm; công nghệ chế biến chè; kỹ thuật máy nông nghiệp. Việc mở rộng quy mô đào tạo, hình thức đào tạo, đầu tư ngành nghề trọng điểm sẽ không chỉ đào tạo nghề có hiệu quả cho 4 huyện, thị phía Tây của tỉnh mà còn đào tạo nghề cho lao động ở các tỉnh lân cận như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La.

  

    Nhà trường quyết tâm hoàn thiện Đề án chuyển đổi thành trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Tây Bắc,

Để hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, trường Trung cấp nghề Nghĩa Lộ sẽ tiếp tục liên kết chặt chẽ với các tổng công ty, các doanh nghiệp, chính quyền các địa phương... có nhu cầu tuyển dụng nhân lực để tiến hành tuyển sinh, đào tạo nghề theo địa chỉ. Từ đó, giúp người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở Yên Bái.

Mạnh Cường - Thanh Chi