YBĐT - Mùa đông xuân hàng năm thường phát sinh các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là dịch cúm gia cầm H5N1, dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò.
Đặc biệt, cuối năm, tình hình vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm tăng mạnh nên các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc và kiểm tra vệ sinh thú y.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái, thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được kiểm soát. Chi cục đã triển khai kế hoạch, thường xuyên tiêm phòng cho gia súc gia cầm đến các xã, phường trên địa bàn. Năm 2012 đã tổ chức tiêm phòng 245.377 liều dịch tả lợn, 119.897 liều tụ huyết trùng, 243.798 liều lở mồm long móng, 75.619 liều dại chó… và đã kiểm dịch vận chuyển trên 1.543 chuyến với 59.354 con gia súc, gia cầm; kiểm soát giết mổ 262.490 con gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, lực lượng thú y đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức và nhận thức của nhân dân về công tác phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi. Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, mùa đông năm nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm rất phức tạp. Hiện nay, tại một số tỉnh, thành đã bắt đầu tái phát các ổ dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm...
Qua thực tế và theo các số liệu dịch tễ, các đợt dịch trên gia súc, gia cầm thường phát sinh trong mùa đông xuân bởi thời kỳ này, thời tiết thay đổi, nhiệt độ môi trường tạo điều kiện cho nhiều loại mầm bệnh tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm tăng trong những tháng cuối năm dễ làm lây lan dịch bệnh.
Ông Đặng Bình Nguyên - Phó chi cục Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: “Để thực hiện phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, trong thời gian tới, Chi cục phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm của người dân; tiến hành phun tiêu độc, khử trùng phòng chống bệnh cúm gia cầm, bệnh tai xanh; tiêm phòng dịch lở mồm long móng có nguy cơ cao thuộc 9 huyện, thị, thành phố và tiêm vắc-xin bổ sung phòng bệnh lở mồm long móng tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận các hộ chăn nuôi, kịp thời phát hiện và dập tắt dịch bệnh nếu xảy ra”.
Hiện nay, việc kiểm soát quá trình mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm vẫn còn khó khăn. Công tác này mới đang được làm “đằng ngọn”, sản phẩm gia súc, gia cầm sau khi được giết mổ xong đưa về chợ, cán bộ thú y mới kiểm tra và đóng dấu ngay tại chợ. Vấn đề đáng lo ngại hơn cả đó là tình hình vận chuyển và buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đây là nguy cơ gieo rắc mầm bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm.
Thời gian qua, các ngành chức năng đã làm khá tốt công tác kiểm tra việc vận chuyển gia cầm vào địa phương. Không ít trường hợp vi phạm đã được phát hiện và xử lý theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, gia súc, gia cầm được vận chuyển theo con đường bán rong vẫn diễn ra phổ biến, vẫn còn nhiều hình thức vận chuyển mang tính đối phó trong khi lực lượng kiểm tra còn mỏng. Trên địa bàn tỉnh vẫn không có các điểm chốt cố định tại các đầu mối nên khả năng gia cầm chưa qua kiểm dịch lọt vào địa bàn vẫn có thể xảy ra.
Thời gian từ nay đến tết Nguyên đán, nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao và các hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm diễn ra nhộn nhịp, khó kiểm soát. Để phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, các địa phương cần rà soát kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức và kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi.
Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm; giám sát dịch bệnh đến từng hộ gia đình nhằm phát hiện nhanh, xử lý gọn, không để lây lan khi dịch xảy ra.
Văn Thông