Giữ gìn làn điệu dân ca Tày

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/4/2013 | 9:05:26 AM

YBĐT - Là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn (Yên Bái), Đại Lịch được xem là vùng đất khá đa dạng về sắc màu văn hóa, trong đó phải kể đến những những điệu khắp then – đàn tính của người Tày nơi đây.

Thiếu nữ Tày với điệu hát then. (Ảnh: Đức Hồng)
Thiếu nữ Tày với điệu hát then. (Ảnh: Đức Hồng)

Mỗi dịp tết đến xuân về hay trong các lễ hội trên khắp bản làng của người Tày ở Đại Lịch lại rộn vang tiếng đàn, tiếng sáo và các điệu khắp then. Dưới bàn tay khéo léo và điêu luyện của các nghệ nhân, đàn tính và nhạc chuông tay tạo nên những âm thanh rộn ràng cho những điệu xòe.

Đã từ bao đời nay, cây đàn tính chính là nhạc cụ giao tiếp mang đậm bản sắc trong nghệ thuật dân ca, dân vũ của người Tày Đại Lịch. Sau những giờ lao động vất vả, sinh hoạt then giúp họ quên đi những mệt mỏi. Tiếng đàn tính và những lời hát then đã trở thành món ăn tinh thần của người Tày Đại Lịch.

Ông Hoàng Văn Thiệm - một trong những nghệ nhân lâu đời của thôn Thanh Bồng, cũng là một trong lớp người còn biết khá nhiều về văn hóa Tày Đại Lịch cho biết: Với người Tày, biểu tượng đầu tiên là áo chàm, đàn tính, những nét văn hóa đặc trưng đó được người dân truyền lại qua nhiều đời. Còn trong các buổi sinh hoạt then, cùng với cây đàn tính, nhạc chuông, còn có thêm các nhạc cụ khác như trống và sáo trúc. Sự kết hợp hài hòa âm thanh của các nhạc cụ làm cho sinh hoạt then càng thêm sôi động và lôi cuốn.

Ngày nay, phần lớn những tiết mục khắp then của người Tày ở Đại Lịch  được sáng tác dựa trên nền của các làn điệu then cổ với lời mới, nội dung ca ngợi tình yêu đất nước và tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương trên đường đổi mới, những khát vọng vươn tới ấm no hạnh phúc. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Trung - một trong những nghệ nhân của thôn Đồng Mè thì: Những làn điệu tính và hát then hầu như đang dần bị mai một, trong làng, trong xã còn rất ít người biết những làn điệu hát then cổ ngày xưa.

Hơn nữa, mỗi khi có việc như vào các ngày lễ, tết mới tổ chức được một lần sinh hoạt hát then, việc tổ chức cũng rất khó khăn bởi phải tìm được người biết múa, hát và đánh đàn tính. Lớp trẻ bây giờ cũng không mấy quan tâm đến vấn đề giữ gìn bản sắc dân tộc. Mặc dù chúng tôi cũng đang có ý định thành lập đội hát then song thật khó để tìm người tâm huyết.

Đàn tính và hát then có ý nghĩa rất lớn trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Tày ở Đại Lịch nói riêng và người Tày ở Văn Chấn nói chung. Hy vọng những làn điệu then mượt mà sâu lắng cùng với những lời ca như dòng suối trong của người Tày Đại Lịch sẽ mãi trường tồn cùng với thời gian.       

Thanh Tân