Yên Bình chủ động phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/4/2013 | 2:45:31 PM

YBĐT - Ngay khi bước vào mùa mưa bão 2013, huyện Yên Bình (Yên Bái) chỉ đạo các đơn vị, địa phương dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc y tế… đối với những khu vực dễ bị cô lập, chia cắt dài ngày khi xảy ra thiên tai.

Sạt lở đất tại xã Phú Thịnh năm 2012.
Sạt lở đất tại xã Phú Thịnh năm 2012.

Với mục tiêu của công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2013 là “Giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, lấy phòng, tránh là chính”, UBND huyện Yên Bình đã chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN), khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch PCLB, giảm nhẹ thiên tai, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Ngay khi bước vào mùa mưa bão, huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc y tế… đối với những khu vực dễ bị cô lập, chia cắt dài ngày khi xảy ra thiên tai. Các xã, thị trấn củng cố, thành lập các đội xung kích PCLB cấp thôn, bản, tổ dân phố nhằm chủ động trong công tác cứu nạn, cứu hộ; xác định cụ thể vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và các phương án giải quyết.

Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức đề phòng cho nhân dân; kịp thời cảnh báo các khu vực nguy hiểm để nhân dân chủ động di dời đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả mưa lũ gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Bình có 3 xã: Đại Đồng, Tân Nguyên, Hán Đà còn một số hộ dân đang sống dưới chân đồi có vết nứt nguy hiểm, huyện yêu cầu các xã có phương án di dân tạm thời khi có mưa lũ hoặc sự cố xảy ra và xây dựng phương án di dân lâu dài.

Ngập lụt tại Km 10 năm 2012 do ảnh hưởng của cơn bão số 5.

Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý các công trình xây dựng cơ bản về phòng chống lụt bão. Các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng đang thi công cần bố trí tiến độ thi công hợp lý, có kế hoạch bảo vệ máy móc, vật tư thiết bị để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Đối với các công trình đang khai thác, nhất là các hồ chứa nước lớn như Thác Bà, hồ Gò Cao (thị trấn Thác Bà), hồ Khe Hoài, hồ Thống Nhất (xã Tích Cốc), hồ Gốc Nhội (xã Xuân Lai), hồ Lang Luồn (xã Vũ Linh)… phải thường xuyên có người trực theo dõi, sẵn sàng tham gia chống lũ cũng như có phương án xử lý để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân vùng thượng, hạ lưu.

Các xã, thị trấn tổ chức giải phóng ngay các công trình kiến trúc, vật cản như: tre, gỗ ở ven suối, khơi thông dòng chảy để đảm bảo thoát lũ khi có mưa lũ xảy ra; tổ chức thực hiện tốt công tác trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn tại các công trình để giữ nước và hạn chế lũ quét xảy ra… Các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn khi xây dựng kế hoạch PCLB&TKCN phải sát với tình hình thực tế của đơn vị, dự kiến tình huống xảy ra, biện pháp khắc phục…

Bên cạnh đó tập trung tập huấn nâng cao năng lực, tính linh hoạt của lực lượng PCLB&TKCN từ huyện đến cơ sở; chủ động ứng phó trước những tình huống xảy ra trong mùa mưa bão cũng như theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để thông báo cho nhân dân kịp thời phòng tránh.

Với kế hoạch và giải pháp đưa ra trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Yên Bình hy vọng hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thiết thực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

H.D