Tăng thu nhập cho nông dân để xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/7/2013 | 9:01:16 AM

YBĐT - Trong xây dựng nông thôn mới (NTM) vấn đề phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân được xác định là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của Chương trình. Song, hiện nay các địa phương mới chỉ quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà ít chú ý đến vấn đề này.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm mô hình trồng ớt tại xã Tuy Lộc thành phố Yên Bái.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm mô hình trồng ớt tại xã Tuy Lộc thành phố Yên Bái.

Do vẫn coi Chương trình NTM là dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên tại nhiều địa phương ngay từ việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và xây dựng đề án, các xã chỉ quan tâm đến bố trí xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm đúng mức đến quy hoạch sản xuất. Vì vậy trong quy hoạch và đề án chưa chỉ rõ được vùng sản xuất, nội dung phát triển sản xuất nuôi con gì, trồng cây gì, giải pháp như thế nào. Thậm chí  nếu có cũng chỉ chung chung, mang tính hình thức và tính khả thi thấp.

Xuất phát từ nhận thức đó nên quá trình chỉ đạo mới chỉ tập trung vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, cụ thể là làm đường giao thông mà chưa chú ý đến tổ chức vận động nông dân sản xuất, canh tác, chăn nuôi... Điều này thể hiện rõ qua hai năm triển khai chương trình, toàn tỉnh mới có 30 mô hình sản xuất tập trung tại 29 xã đã đăng ký đạt chuẩn NTM  vào năm 2015 đó là mô hình nuôi trâu cái sinh sản luân chuyển giữa các hộ ở huyện Lục Yên, cải tạo đàn trâu giống, nuôi cá nheo trong lồng trên hồ Thác Bà, mô hình trồng cây Thanh Long ruột đỏ ở huyện Yên Bình, trồng ớt tại xã Tuy Lộc thành phố Yên Bái; mô hình hỗ trợ cho các nhóm hộ mua máy cày, máy bừa ở thị xã Nghĩa Lộ... 

Điều đáng nói là bên cạnh một số mô hình tạo sự liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn một số mô hình chưa thực sự nổi bật và thiếu tính bền vững. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa quan tâm đến phát triển sản xuất, việc chuyển dịch cơ cấu lao động tại các địa phương diễn ra chậm; việc liên kết 4 nhà, công tác dạy nghề, dồn điền đổi thửa còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, vốn vay cho sản xuất nông nghiệp còn thiếu; việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân còn phụ thuộc vào thị trường tự do; chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm  theo hợp đồng; tiểu thủ công nghiệp và các nghề truyền thống chưa phát triển… gây ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở từng địa phương.

Vì vậy, cùng với sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước, cấp ủy chính quyền cũng như mọi cán bộ, đảng viên và người dân các xã trong tỉnh cần thay đổi về nhận thức, hiểu rõ mục tiêu xây dựng NTM là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài không phải là dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để không ngóng đợi “ngân sách nhà nước” mà cần chủ động tham gia.

Trước tiên, với điều kiện tự nhiên, xã hội của từng địa phương cần chỉnh sửa quy hoạch và đề án của xã (kể cả những đề án đã được phê duyệt) để làm rõ nội dung phát triển sản xuất, đồng thời xây dựng các chương trình, cách làm, giải pháp thực hiện cho phù hợp; xây dựng các vùng chuyên canh: sản xuất lương thực, vùng cây ăn quả, vùng cây nguyên liệu, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, vùng chế biến tiểu thủ công nghiệp... gắn với quy hoạch của tỉnh, huyện, với quy mô lớn để có thể hình thành vùng sản xuất lớn theo hướng hàng hóa, thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, liên kết sản xuất để đem lại hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất phải gắn với đào tạo nghề, vấn đề môi trường và  phát triển làng nghề truyền thống...

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cũng như đời sống người dân mới xây dựng thành công chương trình NTM, và ngược lại, xây dựng NTM trước hết  phải tổ chức sản xuất hợp lý và  nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nguyễn Đình