YênBái - Giống lúa ST25 thích ứng tương đối tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của địa phương. Thành công của mô hình thử nghiệm làm cơ sở dần thay thế giống lúa thuần Chiêm hương đang có chiều hướng giảm về chất lượng.
Nông dân xã Đông Cuông thu hoạch lúa ST25 vụ xuân 2022 bằng máy gặt.
|
Văn Yên có tiềm năng đất đai, lao động, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Một trong những cây lương thực chủ lực của huyện là cây lúa với diện tích 5.970 ha/năm. Những năm qua, huyện tập trung duy trì 1.000 ha vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại các xã có điều kiện thuận lợi, trình độ thâm canh cao (vùng Đại - Phú - An, Đông Cuông) với giống chủ lực là lúa thuần Chiêm hương.
Do sản xuất đại trà đã nhiều năm nên giống Chiêm hương đang có chiều hướng giảm về chất lượng, ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa hàng hóa của huyện. Trước thực trạng đó, việc thử nghiệm giống lúa mới của huyện là việc làm rất cần thiết nhằm đánh giá khả năng thích ứng, năng suất, chất lượng, làm cơ sở đưa vào sản xuất đại trà.
Trong đó, vụ xuân năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện mô hình thử nghiệm giống lúa ST25 tại các xã vùng thâm canh lúa nhằm mục đích giúp người trồng lúa được tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật với giống lúa mới chất lượng cao. Đồng thời, là cơ sở đánh giá tình hình sinh trưởng và phát triển, tiềm năng năng suất, khả năng chống chịu của giống ST25 và lựa chọn giống mới cho năng suất, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất đại trà, dần thay thế giống lúa thuần Chiêm hương, nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa của huyện.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Thường trực UBND huyện, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND các xã tham gia mô hình tiến hành tìm điểm, chọn hộ, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các hộ từ làm đất gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, theo dõi chặt chẽ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa từng giai đoạn.
Theo đó, vụ xuân năm 2022, huyện đã gieo cấy 15 ha giống lúa ST25 với 170 hộ tham gia ở 4 xã: Đông Cuông, Tân Hợp, Đông An, Yên Phú và thị trấn Mậu A. Các hộ dân tham gia mô hình được ngân sách huyện hỗ trợ 100% giống và các hộ dân đối ứng công lao động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình được bố trí trên đất ruộng 2 vụ lúa, có hệ thống giao thông, thủy lợi thuận tiện cho áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất cũng như chăm sóc, quản lý mô hình.
Các hộ tham gia mô hình thường xuyên kiểm tra, thăm đồng nắm bắt tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Lúa ST25 xuất hiện bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, rầy nâu, lem lép hạt nhiễm ở mức độ nhẹ đã được xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển, năng suất của cây lúa.
Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện đã phân công cán bộ kỹ thuật, khuyến nông cơ sở phụ trách mô hình thường xuyên thăm đồng, theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển, tình hình sâu bệnh hại, diễn biến thời tiết suốt vụ và hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật, ghi chép sổ nhật ký, đánh giá kết quả. Qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển từ giai đoạn gieo mạ đến khi thu hoạch cho thấy, giống ST25 có sức chống chịu tốt, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh bất lợi như: thời điểm gieo mạ, lúa mới cấy, nhiệt độ dao động 10 - 12oC nhưng lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, không bị chết do rét.
Dù diễn biến thời tiết vụ xuân khá phức tạp, rét đậm rét hại xen mưa kéo dài song lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Khả năng kháng sâu bệnh tốt, ST25 chỉ nhiễm mức nhẹ rầy nâu, khô vằn, đạo ôn. Năng suất lúa đạt trung bình với năng suất thực thu 50,1 tạ/ha, hạt gạo thuôn dài, chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, vị đậm, có mùi thơm nhẹ. Do ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện thời tiết vụ xuân diễn biến phức tạp, có mưa kéo dài, đặc biệt trong giai đoạn lúa trỗ, phơi màu, dẫn đến tỷ lệ lép cao tới 27,4%, kéo theo năng suất lúa giảm cũng như kéo dài thêm thời gian sinh trưởng. Ngoài ra, nhược điểm của giống ST25 là trỗ lai rai kéo dài từ 10 - 15 ngày.
Qua hạch toán hiệu quả kinh tế, sau khi trừ chi phí, giống lúa ST25 cho lãi so với đầu tư là 30.481.000 đồng/ha, tương đương 1.097.000 đồng/sào. Năng suất lúa đạt trung bình nhưng chất lượng gạo, giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với các giống lúa khác từ 1 - 1,5 lần.
Bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên khẳng định: "Thực hiện mô hình thử nghiệm giống lúa ST25 đã góp phần đổi mới tư duy của người sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác cũng như giảm thiểu tác động của thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường. Mô hình được tiến hành đúng nội dung, tiến độ đề ra.
Giống lúa ST25 thích ứng tương đối tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của địa phương. Thành công của mô hình làm cơ sở lựa chọn giống mới cho năng suất, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất đại trà, dần thay thế giống lúa thuần Chiêm hương, nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa của huyện, góp phần tăng thu nhập cho nông dân”.
Nguyễn Thơm