Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái giải quyết những vấn đề cấp thiết

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/9/2022 | 1:55:57 PM

YênBái - Để nghiên cứu khoa học thực sự phát huy hiệu quả, những năm qua, bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, các nhiệm vụ khoa học được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai đều hướng đến việc giải quyết các vấn đề cấp thiết mới phát sinh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu khoa học của tre măng Bát độ sau khi áp dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp vào trồng và chăm sóc.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu khoa học của tre măng Bát độ sau khi áp dụng biện pháp kỹ thuật tổng hợp vào trồng và chăm sóc.


Tre măng Bát độ được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Để góp phần mở rộng vùng nguyên liệu, cải tạo thâm canh các diện tích tre măng sẵn có theo hướng bền vững, từ năm 2019-2021, ngành KH&CN đã triển khai 2 nhiệm vụ khoa học. 

Với nhiệm vụ "Nghiên cứu các đối tượng sâu, bệnh hại chính và đề xuất các biện pháp phòng trừ tổng hợp nhằm góp phần phát triển bền vững măng tre Bát độ” đã xác định được 12 loài sâu hại và 6 loài bệnh hại trên măng tre Bát độ. Trong đó, loài sâu hại chính là châu chấu tre chày xanh và bệnh thối măng do nấm Fusarium solani gây ra là bệnh hại chính trên măng tre Bát độ. Từ nghiên cứu đặc điểm sinh học, các nhà nghiên cứu đã xác định được các biện pháp phòng trừ là cơ sở để phổ biến trong nhân dân. 

Thực hiện nhiệm vụ "Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm nâng cao năng suất và phát triển bền vững măng tre Bát độ”, Sở đã xây dựng thành công 4 ha mô hình áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật: trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản nguyên liệu tại thôn Đồng Cát, huyện Trấn Yên (trong đó, 3 ha mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp và 1 ha mô hình đối chứng áp dụng biện pháp kỹ thuật truyền thống của địa phương). 

Kết quả sau 3 năm triển khai cho thấy, năng suất măng trong mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp năm 2020 đạt 25,74 tấn/ha, năm 2021 đạt 31,81tấn/ha (cao hơn gần 16,17 tấn/ha so với mô hình đối chứng). Đến năm thứ 3, lợi nhuận của mô hình bước đầu cao hơn so với mô hình đối chứng là 17,2 triệu đồng/ha. Ngoài ra, từ 2 nhiệm vụ cũng đã xây dựng được bộ hướng dẫn kỹ thuật hoàn chỉnh, tổ chức tập huấn cho người dân trên địa bàn triển khai mô hình nắm được các quy trình, trở thành cơ sở để nhân rộng.

Trong thời đại công nghệ, việc xác lập sở hữu trí tuệ (SHTT) đã trở thành một giải pháp hữu ích và lâu dài để phát huy thế mạnh của các sản phẩm chủ lực, mở rộng thị trường, cạnh tranh bình đẳng chất lượng sản phẩm, đảm bảo uy tín, danh tiếng sản phẩm. 

Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 40% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù, sản phẩm làng nghề, sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. 

Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, những năm qua, ngành KHCN đã quan tâm đặc biệt triển khai xây dựng các nhiệm vụ khoa học nhằm xác lập quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 37 sản phẩm nông nghiệp đã được bảo hộ SHTT, trong đó có 34 sản phẩm được xác lập từ các nhiệm vụ khoa học. 

Ngoài ra, các nhiệm vụ khoa học, Sở còn nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các cách làm mới, cho hiệu quả và sức cạnh tranh cao; một số nhiệm vụ đã tập trung nghiên cứu về các vấn đề xã hội trong tình hình mới làm cơ sở xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội...

Có thể thấy, những nhiệm vụ KHCN được triển khai đã góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề cấp thiết đang phát sinh trong cuộc sống, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của nhà nghiên cứu khoa học. 

Trong thời gian tới, ngành KHCN sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ khoa học, tập trung vào các vấn đề trọng điểm như: ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong các cơ quan, ban, ngành, địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; áp dụng các quy trình thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, bảo quản sản phẩm; nghiên cứu chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, phù hợp, tạo sản phẩm mới từ nguyên liệu sẵn có, chế tạo máy móc vừa và nhỏ phục vụ sản xuất; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...

H.A