Gia đình ông Lường Văn Mộc, bà Chu Thị Dương - thôn Đêu 1, xã Nghĩa An xưa nay được biết tiếng trong chế biến ẩm thực của đồng bào Thái. Pa pỉnh tộp, phặc phăm, thịt sấy, lạp sườn, xôi ngũ sắc, rau nộm..., mỗi món ăn đều được bà Dương truyền lại từng bí quyết nhỏ cho các con. "Trong chế biến ẩm thực dân tộc Thái, gia vị là điều vô cùng quan trọng. Người chế biến cần có kinh nghiệm mới có thể làm ra món ăn đậm đà hương vị, không lẫn vào đâu được” - bà Dương chia sẻ.
Cô con gái bà Lường Thị Thủy Hương tâm sự: "Từ bé, em đã được xem bố mẹ chế biến các món ăn và thưởng thức nên rất nhớ mùi vị riêng của từng món bố mẹ chế biến. Lớn lên thì bố mẹ hướng dẫn tập làm, đặc biệt là phần trộn ướp gia vị. Nhờ được thưởng thức nhiều và chế biến nhiều nên đến giờ em đã có thể làm ngon như mẹ làm. Đến nay, chúng em có thể thay thế bố mẹ vào bếp chế biến các món ăn mà khách đặt hàng và đều nhận được sự hài lòng, ủng hộ của khách hàng”.
Sau rất nhiều lần thất bại trong chế biến sản phẩm thịt hun khói, đến nay chị Lường Thị Hoàn - thôn Đêu 2, xã Nghĩa An đã có thể bước đầu khởi nghiệp với sản phẩm thịt hun khói thương hiệu "Bà Cháy”. Để tự tay chế biến được sản phẩm đạt yêu cầu như mình mong muốn, với chị Hoàn cũng là cả một sự kiên trì, tích lũy kinh nghiệm từng chút một.
"Thịt trâu, thịt lợn hun khói thì phải thái miếng thịt theo kích thước dày 1 cm, dài từ 15 - 25 cm tùy theo từng miếng thịt, thớ thịt của con trâu, con lợn. Khi hun khói phải đảm bảo miếng thịt khô bên ngoài, mềm bên trong, có màu đỏ đậm, thơm, ngon, ngọt thịt. Ba chỉ hun khói thì cần thái miếng dày từ 2,5 - 3 cm, dài từ 15 - 25 cm. Miếng thịt khô bên ngoài, dẻo bên trong, có màu vàng nhạt, trong phù hợp với rang, xào... thơm ngon, giữ nguyên hương vị đặc trưng. Phải cầu kỳ, cẩn thận từ độ dày - mỏng của miếng thịt cho đến hương vị, gia vị ướp, lượng nhiệt. Ngoài chuyện được truyền dạy từ gia đình thì chính bản thân mình phải dành cả tâm sức với nó thì mới có thể cho ra sản phẩm thật sự thơm ngon” - chị Hoàn bộc bạch.
Các món ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc không chỉ được bảo tồn trong mỗi gia đình, trong đời sống sinh hoạt mà còn là những đặc sản, nét văn hóa đặc sắc riêng được đưa vào quảng bá, giới thiệu phát triển du lịch. Chính vì vậy, ngoài việc quan tâm mở các lớp chế biến món ăn ẩm thực cho các hộ làm du lịch cộng đồng, thị xã Nghĩa Lộ còn thường xuyên tổ chức các hội thi, hội chợ trải nghiệm chế biến các món ăn ẩm thực dân tộc nhân ngày lễ, tết và mùa lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò hàng năm.
Ông Đinh Anh Tuấn - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Hàng năm, Phòng đã rà soát cơ chế, chính sách trong thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch và các chương trình bảo tồn văn hóa để tham mưu cho UBND thị xã tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn và truyền dạy các món ăn dân tộc; phối hợp với các ngành liên quan như ngành giáo dục đưa việc truyền dạy chế biến các món ăn ẩm thực dân tộc vào trường học thông qua các buổi ngoại khóa; ngành kinh tế quan tâm xây dựng các sản phẩm OCOP để quảng bá, giới thiệu để phát huy nghề chế biến ẩm thực truyền thống...”.
Thị xã Nghĩa Lộ đã có mâm xôi ngũ sắc được xác lập Kỷ lục GUINES Việt Nam và nhiều sản phẩm OCOP về món ăn ẩm thực dân tộc như thịt hun khói, lạp xưởng... Hương vị đặc sắc từ gia vị của núi rừng, cách chế biến công phu cầu kỳ và tình yêu, ý thức trách nhiệm gìn giữ văn hóa ẩm thực của người dân chính là những yêu tố quan trọng làm nên thương hiệu ẩm thực dân tộc Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò.
Thu Hạnh