Thực hiện nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái về phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Trấn Yên đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp -Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: Nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp theo lĩnh vực và sản phẩm; cơ cấu lại sản xuất theo vùng đã được huyện Trấn Yên cụ thể hóa rõ nét. Việc tổ chức sản xuất được kết nối giữa hợp tác xã, các doanh nghiệp với các hộ nông dân từ khâu đầu vào sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất được áp dụng đồng bộ trong chuỗi liên kết đã giúp người nông dân ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, giúp nông dân yên tâm sản xuất".
Đến nay, huyện Trấn Yên đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh gắn với các chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm có giá trị, thương hiệu, sức cạnh tranh cao trên thị trường như: vùng trồng
tre măng Bát Độ đạt trên 4.200 ha, chiếm trên 73% diện tích tre Bát Độ toàn tỉnh, sản lượng măng thương phẩm đạt trên 33 nghìn tấn/năm, giá trị trên 200 tỷ đồng; vùng trồng dâu, nuôi tằm gần 900 ha, chiếm trên 72% diện tích dâu toàn tỉnh, sản lượng kén đạt 1.400 tấn, giá trị trên 250 tỷ đồng; vùng quế trên 20 nghìn ha, trong đó có 9.000 ha quế hữu cơ, 2.400 ha quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Trên địa bàn huyện có 1.730 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững; vùng trồng cây ăn quả có múi trên 900 ha; vùng chè 490 ha; vùng cây dược liệu trên 220 ha; có 734 cơ sở chăn nuôi hàng hóa. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Trấn Yên đạt 490 ha, đứng thứ 2 toàn tỉnh.
Toàn huyện có gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Nổi bật là các Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến măng của Công ty Yamazaki Việt Nam, Công ty TNHH Vạn Đạt; nhà máy ươm tơ của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái với công suất 150 tấn tơ/năm (tương đương 1.100 tấn kén) với các chuỗi liên kết sản xuất đang phát huy hiệu quả; một số vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của huyện như dâu tằm, chè chất lượng cao, quế hữu cơ… cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Bà Trần Thị Tình - thôn Đồng Bưởi, xã Báo Đáp chia sẻ: Gia đình tôi lấy nghề trồng dâu, nuôi tằm làm nguồn thu nhập chính. Thông qua liên kết mà gia đình tôi cùng nhiều hộ dân trong xã đã bán kén cho Công ty cổ phẩn Dâu tằm tơ Trấn Yên. Kén được Công ty mua với giá cao hơn và ổn định hơn so với bán cho thương lái như trước kia. Thu nhập cũng tốt hơn. Người dân chúng tôi rất phấn khởi".
Còn Phó Chủ tịch UBND xã Báo Đáp Nguyễn Văn Nguyên thì chia sẻ: "Tham gia liên kết với Công ty, người dân được cung cấp đầy đủ con giống, đảm bảo thu mua hết kén cho nông dân nên bà con rất yên tâm. Khi tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, người nông dân được đảm bảo đầy đủ các quyền lợi, không còn lo cảnh "được mùa mất giá".
Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp được quan tâm thực hiện. Huyện chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Đến nay, Trấn Yên có 7 sản phẩm chủ lực được bảo hộ sở hữu trí tuệ, có 32 sản phẩm có tem truy xuất, 33 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Hiện đã có 25 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực: măng tre Bát Độ, dâu tằm tơ, chè chất lượng cao, quế hữu cơ, quả có múi, gia cầm.
Chương trình xây dựng NTM được triển khai căn cơ, bài bản, khoa học, thực chất, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, diện mạo nông thôn không ngừng đổi mới, ngày càng khang trang, hiện đại; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 54,6 triệu đồng/năm, tăng 48,4% so với đầu nhiệm kỳ; chỉ số hạnh phúc của người dân ngày càng được nâng cao.
Ông Vũ Văn Ninh - người dân thôn Yên Thịnh, xã Hưng Thịnh chia sẻ: " Người dân chúng tôi rất phấn khởi khi tham gia chương trình xây dựng NTM tại địa phương. Các hộ dân tự nguyện hiến đất, tham gia ngày công để làm đường giao thông nông thôn, các công trình điện "thắp sáng đường quê"; tập trung phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả.
Chi bộ thôn cũng phân công các đảng viên phụ trách để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, đặc biệt là các tiêu chí khó như: nâng cao thu nhập, tỷ lệtham gia bảo hiểm y tế... Chúng tôi rất phấn khởi khi xã nhà đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022".
Đồng bào Mông xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên tích cực tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Trần Nhật Tân thông tin: "Đến nay, Trấn Yên có 3 xã NTM kiểu mẫu, 10 xã NTM nâng cao, duy trì 100% xã đạt chuẩn NTM và 108 thôn NTM kiểu mẫu; dự kiến hết năm 2023, có 5 xã NTM kiểu mẫu, 14 xã NTM nâng cao, 120 thôn NTM kiểu mẫu”.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng NTM trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân cho biết: Cùng với tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM; tạo điều kiện giúp nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về chính sách, đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Huyện cũng sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình xây dựng NTM.
Cùng với đó, Trấn Yên tiếp tục rà soát, quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất các sản phẩm nông lâm nghiệp lợi thế, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Huyện phấn đấu đến năm 2025 có vùng dâu đạt trên 1.200 ha; vùng tre măng Bát Độ trên 4.600 ha; mở rộng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng gắn với phát triển kinh tế rừng và các loài cây bản địa có giá trị kinh tế...; phấn đấu có ít nhất một sản phẩm OCOP đạt 5 sao; từ 3-5 sản phẩm nông nghiệp của huyện
xuất khẩu ra nước ngoài; tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và chứng nhận quế hữu cơ đạt 12.000 ha; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chuỗi sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất.
Tập trung huy động các nguồn lực xây dựng NTM bền vững, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, gắn mục tiêu xây dựng NTM với đô thị hóa nông thôn, phù hợp với yêu cầu thực tế.
"Trấn Yên đang phấn đấu có 18 xã đạt xã NTM nâng cao, 9 xã đạt xã NTM kiểu mẫu, 150 thôn NTM kiểu mẫu, thị trấn Cổ Phúc được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV và đến năm 2025 huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM nâng cao” - Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân cho biết thêm.
Mạnh Cường